Độc đáo lễ Kiết giới Sây Ma

Cập nhật, 13:47, Thứ Ba, 06/06/2017 (GMT+7)

Chùa Hạnh Phúc Tăng (tức chùa Săngkhamăngcol, tại ấp Trung Trạch, xã Trung Thành- Vũng Liêm) đã trọng thể tổ chức lễ Kiết giới Sây Ma, còn gọi là lễ “Khánh thành nhà mới cho Phật” trong 3 ngày: 17, 18 và 19/2/2017.

Đây là nghi lễ quan trọng nhất đối với ngôi chùa Khmer Nam Bộ, chỉ diễn ra khi một ngôi chùa vừa xây xong hoặc đại trùng tu ngôi chánh điện.

Các diễn viên sau khi biểu diễn phải quỳ lạy các vị sư và quan khách- thể hiện nét văn hóa độc đáo của Phật giáo nguyên thủy.
Các diễn viên sau khi biểu diễn phải quỳ lạy các vị sư và quan khách- thể hiện nét văn hóa độc đáo của Phật giáo nguyên thủy.

Nơi trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống

Đồng bào Khmer Nam Bộ có rất nhiều lễ hội trong năm như: Tết Chol Chnam Thmây (Tết cổ truyền), lễ Sen Dolta (lễ Báo hiếu), Oóc Om Bóc (lễ cúng trăng)…

Đặc sắc nhất có thể kể đến lễ Kiết giới Sây Ma. Là một ngôi chùa cổ lưu giữ những nét kiến trúc độc đáo và những giá trị văn hóa truyền thống của Phật giáo nguyên thủy, nên lễ Kiết giới Sây Ma chùa Hạnh Phúc Tăng đã thu hút hàng chục ngàn người dân Khmer và các dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh về tham dự.

Dù đã trải qua bao biến cố thăng trầm theo dòng thời gian, nhưng những ai đã đến đây đều bắt gặp không gian yên tĩnh, trầm mặc bởi những cây cổ thụ hàng trăm tuổi, là nơi trú ẩn của hàng ngàn con chim làm tổ sinh sôi nảy nở từ bao đời nay. 

Theo truyền thuyết: xưa kia nơi đây là một khu rừng già có nhiều loài thú dữ như hổ, beo,… nên không ai dám bén mảng tới.

Một ngày kia, có một số vị tu sĩ dừng chân dựng chùa tu hành, các loài thú dữ dần lánh xa không đến quấy phá.

Vì vậy các vị sư này đặt tên chùa là Săngkhamăngcol tức là sự hạnh phúc, an lành (Hạnh Phúc Tăng) và tên gọi này tồn tại cho đến ngày nay.

Theo những tư liệu còn lưu giữ được, chùa Hạnh Phúc Tăng được xây dựng vào năm 632 dương lịch, tức vào thế kỷ thứ VII, điều này có thể chứng minh qua số năm thành lập chùa được khắc trên vách của chánh điện.

Vì vậy có thể nói rằng: Đây là ngôi chùa có niên đại lâu nhất của tỉnh Vĩnh Long và cũng là một trong những ngôi chùa Khmer Nam Bộ có niên đại lâu đời nhất ở ĐBSCL.

Lúc đầu, chùa chỉ được cất bằng cây lá đơn sơ. Đến nay, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, gần nhất là vào năm 2009, 2011 và 2015, chùa có lối kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ.

Ông Phạm Minh Hoàng- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm cho rằng: “Chùa Hạnh Phúc Tăng là điểm đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer và các dân tộc anh em gần xa. Là nơi lưu giữ, trao truyền các giá trị truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer.

Ngoài ra, đây còn là nơi học tập, rèn luyện, giáo dục tri thức cho thế hệ trẻ và giáo dục tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào Khmer huyện nhà”.

Độc đáo lễ Kiết giới Sây Ma

Toàn cảnh chánh điện, phía trước là tượng đức Phật rất lớn.
Toàn cảnh chánh điện, phía trước là tượng đức Phật rất lớn.

Lễ thường diễn ra trong 3 ngày liên tục. Khách từ khắp nơi đổ về, có khi lên đến hàng chục ngàn người. Họ đến để chúc mừng cho chùa và cầu phúc cho bản thân và gia đình.

Theo người Khmer, trong một đời người, ai tham dự được 9 lần lễ Kiết giới Sây Ma, kiếp sau sẽ được làm người hạnh phúc, giàu sang.

Anh Sa Thít (TP Vĩnh Long) cho rằng: “Rất khó có cơ duyên, may mắn để tham dự được đến 9 lễ Kiết giới Sây Ma, tôi đã dự được 4 lễ rồi. Nghe nói năm tới sẽ khánh thành chánh điện một ngôi chùa ở Trà Ôn, tôi sẽ cố gắng tham dự, được 5 lần dự cũng là hạnh phúc lắm rồi”.

Chúng tôi viếng chùa vào ngày đầu tiên lễ hội Kiết giới Sây Ma. Ngay từ sáng sớm đã có từng dòng người từ khắp các tỉnh- thành ở ĐBSCL, có cả những đoàn xe từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đi vào từ ngày hôm trước.

Trong tiếng nhạc ngũ âm rộn rã, những đoàn chú hề, đeo mặt chằn, cưỡi ngựa,... là những nhân vật trong các truyền thuyết, tuồng cổ, tạo nên lễ hội rộn ràng, đầy âm sắc.

Từ ngoài cổng, 2 hàng các thiếu nữ trong trang phục truyền thống rực rỡ đứng chắp tay chào đón và hướng dẫn khách viếng chùa.

Cả ngày lẫn đêm, từng dòng người từ khắp nơi trong khu vực ĐBSCL vẫn tiếp tục đổ về chùa Hạnh Phúc Tăng để tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chánh điện- “Nhà mới của Phật” và chứng kiến lễ Kiết giới Sây Ma có ý nghĩa thiêng liêng. Hơn 200 chùa Khmer trong khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ đều là khách mời dự lễ hội này.

Trong chánh điện có 9 lỗ Sây Ma, mọi người đến viếng chùa mang theo những ước muốn, cầu nguyện điều gì thì mang bỏ những hiện vật tượng trưng vào các lỗ Sây Ma. Mọi thứ từ tiền, vàng, gương, sách, viết, đất, gạo... ai cầu gì bỏ vào thứ ấy.

Chẳng hạn, muốn giàu có thả vào tiền, vàng. Mong tài, sắc bỏ vào bút, gương... Những thứ này không ai được lấy vì chúng đã trở thành tài sản riêng của Phật và sẽ được chôn vĩnh viễn, sau khi kết thúc nghi lễ.

Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông, chánh điện là công trình thiêng liêng, là ngôi nhà dùng để thờ phụng đức Phật nằm ở trung tâm chùa, quay mặt hướng Đông.

Trong hầu hết các ngôi nhà trong chùa thì chánh điện là công trình kiến trúc đặc sắc và nổi bật nhất. Với đồng bào Khmer, đến chùa không chỉ để chiêm ngường nét đẹp lộng lẫy của chánh điện mà quan trọng hơn là họ được cúng dường, cầu may, tích phước tại lễ Kiết giới ít có trong mỗi đời người.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG