Phát hành 3 sách quý chào mừng 25 năm tái lập tỉnh

Cập nhật, 06:09, Thứ Hai, 01/05/2017 (GMT+7)

Nhân chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh Vĩnh Long (1992- 2017), gắn với 285 năm thành lập Long Hồ dinh (1972- 2017) và kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2017), tỉnh Vĩnh Long vừa hoàn thành 3 bộ sách giới thiệu khá toàn diện, tổng quát về sự hình thành vùng đất và con người Vĩnh Long từ những ngày đầu mới thành lập cho đến nay.

Sách do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ đạo biên soạn. Đó là bộ sách “Địa chí Vĩnh Long”, “Tự điển địa chí Vĩnh Long” và “Vĩnh Long vùng đất và con người”…

1. Bộ sách “Địa chí Vĩnh Long”

Đây là bộ sách do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ đạo biên soạn. Các ông Trương Quang Phú, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Quang Ân chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2017.

Sách gồm 2 tập, tập 1 gồm 3 phần nói về: Địa lý; Chính trị- quân sự- an ninh; Kinh tế; tập 2 gồm 3 phần nói về: Lịch sử; Văn hóa- xã hội; Lược chí TP Vĩnh Long và các huyện, thị.

Bộ sách thể hiện cái nhìn khá toàn diện, tổng quát về sự hình thành vùng đất và con người Vĩnh Long với những luận cứ khoa học và lịch sử đầy sức thuyết phục từ những ngày đầu mới thành lập vào năm 1732 với tên gọi Long Hồ dinh cho đến ngày nay.

Với cách trình bày theo đặc điểm riêng của tỉnh trong tổng thể chung của vùng, quyển sách sẽ giúp độc giả hiểu rõ về điều kiện tự nhiên của Vĩnh Long như: vị trí địa lý, địa hình, khí hậu… những tiềm năng tự nhiên mà vùng đất Vĩnh Long sở hữu.

Bộ sách còn cung cấp những tư liệu có giá trị về sự thay đổi địa danh, địa giới của tỉnh qua các thời kỳ trên bản đồ hành chính; những cứ liệu về bộ máy chính quyền, tình hình an ninh chính trị, quân sự của tỉnh từ thời Nguyễn đến thời kỳ Pháp thuộc, Mỹ đô hộ và đấu tranh giải phóng dân tộc; sự hình thành chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập vào đầu năm 1928 tại Ngã tư Long Hồ và qua các kỳ đại hội cho đến nay.

Ngoài ra, sách còn trình bày khá chi tiết về tổng quan kinh tế Vĩnh Long từ sự ảnh hưởng của vùng đất, con người đối với quá trình phát triển kinh tế đến những chặng đường phát triển kinh tế của tỉnh nhà; nghiên cứu các vấn đề về lịch sử; văn hóa, xã hội; lược chí TP Vĩnh Long và các huyện- thị trên địa bàn tỉnh.

“Địa chí Vĩnh Long” là một công trình khoa học nhân văn lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay, kế thừa, khai thác và tổng hợp có hiệu quả các công trình nghiên cứu trước về con người và vùng đất này.

Công trình là kết quả lao động miệt mài của các nhà khoa học, các tác giả, các vị cao niên, đồng chí lão thành cách mạng và của những người yêu quê hương Vĩnh Long.

Những đặc điểm tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất Vĩnh Long xưa và nay được trình bày có hệ thống, mạch lạc, kiểm chứng cẩn thận, chính xác cao sẽ là nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập về Vĩnh Long của mọi tầng lớp nhân dân.

2. Từ điển Địa chí Vĩnh Long

Sách do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ đạo biên soạn. Các ông Trương Quang Phú, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Quang Ân chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2017.

“Từ điển Địa chí Vĩnh Long” là một bộ phận không thể thiếu của bộ “Địa chí Vĩnh Long”, là tư liệu quý có giá trị khảo cứu nhằm giải thích những từ ngữ có liên quan đến điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, lịch sử, văn hóa, kinh tế, an ninh, chính trị, quân sự ở tỉnh Vĩnh Long mà “Địa chí Vĩnh Long” đã ghi chép.

Cuốn từ điển có trên 3.000 mục từ được sắp xếp theo thứ tự Alphabet, nội dung được chia làm 10 nhóm cơ bản: nhóm mục từ về tự nhiên; nhóm mục từ về hành chính; nhóm mục từ về dân cư dân tộc; nhóm mục từ về lịch sử; nhóm mục từ về kinh tế; nhóm mục từ về văn hóa; nhóm mục từ về quân sự- chiến tranh; nhóm mục từ về chính trị - xã hội; nhóm mục từ về khoa học, y tế, thể dục thể thao; nhóm mục từ về địa danh.

Ngoài 10 nhóm mục từ trên, quyển sách còn cung cấp hơn 200 hình ảnh minh họa về con người, vùng đất này một cách sinh động, phong phú.

“Từ điển Địa chí Vĩnh Long” là sách tra cứu, được biên soạn công phu theo phương pháp từ điển bách khoa để mở rộng nội dung và cụ thể hóa những tri thức mà bộ sách “Địa chí Vĩnh Long” trình bày.

3. Vĩnh Long vùng đất và con người

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự góp ý chân tình của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội đồng khoa học, quyển sách “Vĩnh Long- vùng đất và con người” của tác giả Nguyễn Chiến Thắng cũng được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Quyển sách gồm 340 trang, trình bày đẹp, trang nhã, viết dạng hỏi- đáp, tập trung đi sâu tìm hiểu vùng đất, những sự kiện lịch sử, trận đánh tiêu biểu, di tích văn hóa, nhân vật tiêu biểu và những vấn đề giải quyết sau giải phóng của địa phương.

Quá trình nghiên cứu nghiêm túc và hết sức tâm huyết của tác giả hơn 10 năm qua đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin bổ ích về vùng đất, con người của vùng đất mới phương Nam, khẳng định những vấn đề lịch sử đã có từ lâu, chúng ta cần hiểu cho đúng như: Vĩnh Long được khai sinh từ khi nào; đặc điểm, thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long và các huyện- thị- thành phố; Đảng bộ tỉnh được thành lập khi nào, ở đâu; địch truy lùng cơ quan Tỉnh ủy Vĩnh Long ra sao; do đâu Bộ Tư lệnh Nam Bộ khen thưởng tỉnh Vĩnh Trà là lá cờ đầu của phong trào phát triển chiến tranh du kích; Xuân Mậu thân 1968, quân dân Vĩnh Long “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như thế nào; Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long được Tổng Bí thư Lê Duẩn khen “4 cái được” là ai; ai là người được nhân dân gọi là chiến sĩ “gan sắt dạ đồng”, luôn đứng đầu sóng gió; vị tướng có duyên nợ với Vĩnh Long trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân và Chiến dịch Hồ Chí Minh tại TP Vĩnh Long; người anh hùng diệt Mỹ đầu tiên ở tỉnh lỵ Vĩnh Long; sau giải phóng, ủy ban quân quản tỉnh Vĩnh Long gồm những ai; địa lý hành chính tỉnh Vĩnh Long sau giải phóng;…

Quyển sách là một bản tổng kết nhỏ những nghiên cứu của tác giả- một người luôn luôn muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa, con người của đất nước, quê hương, với một tình yêu, trách nhiệm.

Việc xuất bản cuốn sách vào những ngày kỷ niệm trọng đại này cũng góp phần khẳng định “Công lao, những giọt mồ hôi, công sức của người xưa kiến tạo.

Càng hiểu ý nghĩa, càng quý mến mảnh đất quê hương, càng trân trọng những tấm lòng xả thân vì tiền đồ của dân tộc, càng nâng cao trách nhiệm của bản thân trong quá trình phát triển đi lên”.

NHÓM PHÓNG VIÊN