Nguyễn Văn Thoại với cù lao Năm Thôn

Cập nhật, 04:30, Thứ Hai, 17/04/2017 (GMT+7)

Trải qua mấy ngàn năm, nước ta vẫn là một xứ nông nghiệp và lấy xã thôn làm đơn vị cơ sở. Tới đầu thế kỷ thứ XIX, cương vực (lãnh thổ) nước ta mới ổn định và thống nhất về mặt hành chính, suốt từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, gồm khoảng 18.000 làng.

Trong đó toàn tỉnh Vĩnh Long (gồm Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long) có 381 làng (phủ Định Viễn, Vĩnh Long ngày nay), 99 thôn, 2 xã với các tên gọi khác nhau như xã, thôn, phường, giáp, điểm, ấp, lân, trang trại, man, sách,...

Làng nước gắn bó xương thịt với nhau, làng là đơn vị tế bào của cả nước. Cả làng và nước đều sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước.

Cho nên 3 vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong và lớn mạnh của dân tộc ta(1).

Vào khoảng cuối mùa hạ năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng 36 (tháng 7/1775), ông Nguyễn Văn Thoại cùng một số người trong gia đình dòng họ ở tỉnh Quảng Nam di cư vào Nam lập nghiệp ở cù lao Dài (cù lao Năm Thôn, Phú Thái, Phú Bình, Thanh Lương, Bình Thạnh, Phước Khánh) thuộc tổng Bình Khánh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn (Vũng Liêm- Vĩnh Long ngày nay).

So với Quảng Nam- vùng đất miền Trung bao năm là bãi chiến trường Trịnh Nguyễn giao tranh tàn phá, khô hạn, bão gió, lũ lụt, mất mùa đói kém, trộm cướp liên miên thì vùng đất cù lao Dài, Vĩnh Thanh- Long Hồ, khí hậu ôn hòa, khai hoang, lập ấp thuận lợi hơn.

Sách Gia Định Thành Thống Chí của Trịnh Hoài Đức mô tả: “Dân ở đây thường quen giao tiếp qua lại với người Cao Miên, cho nên hiểu biết được nhiều tiếng của nước ấy.

Dân cư chuộng sự thật thà, chuyên nghề làm vườn ruộng, đều có sản nghiệp được gọi là nơi giàu có đông đúc. Địa thế cách bức sông ngòi lưu thông sen lộn, không nhờ ghe thuyền thì không đi được, vậy nên người nào cũng thạo về sự chèo chống” .

“Buổi đầu xứ này cũng có nhiều cá sấu và cọp dữ. Tuy người nhỏ bé và đàn bà cầm dao phát cỏ và đòn xóc cũng bắt được cọp”(2).

“Ruộng ở xứ này toàn là bùn sâu, không dùng trâu cày được, phải đợi đến hạ, thu giao đại có nước mưa đầy dẫy, cắt bỏ lùng lác, cào cỏ, đắp bờ, rồi chỏi đất, cấy mạ lúa xuống, ruộng rất béo tốt, nên một hộc lúa giống, thu hoạch được 300 hộc, rau quả dưa leo, bầu bí, khoai đậu…. có rất nhiều”.

Khác với miền Bắc miền Trung khô hạn, bão gió, lũ lụt sâu xuất khó khăn, ăn nay lo mai, sẻn so, dành dụm. Còn ở đây “các thứ đậu, dưa, khoai chỉ dùng để điểm tâm, chưa từng phơi khô, mài bột, dùng làm vật trợ cơ.

Bởi vì người Gia Định (chỉ chung từ Sài Gòn trở xuống miền Tây Nam Bộ), mỗi ngày ăn ba bữa, đều ăn cơm, mà cháo cũng ít ăn, huống chi là các thứ khác, vì có lúa gạo nhiều mà không năm nào mất mùa cả”(3).

Ở vùng cù lao Dài, di dân vào đây khai phá từ trước những năm 1730, được thiên nhiên ưu đãi là thế, nhưng đời sống vật chất và tinh thần của lưu dân vẫn còn vất vả, thấp kém.

Năm 1816, Nguyễn Văn Thoại về làm trấn thủ trấn Vĩnh Thanh. Ông khuyến khích di dân từ miền Trung vào khai khẩn đất hoang, lập làng, tổ chức bộ máy hành chính ở cơ sở, lập số bộ thuế đinh, thuế điền, giữ gìn an ninh, khuyến học, dưỡng liêm công chức.

Đi tới đâu ông cũng khuyến khích nhân dân khai khẩn đất hoang, chăm lo sản xuất nuôi trồng các giống cây con có năng suất, chất lượng tốt làm thức ăn vật dụng cho cuộc sống hàng ngày như cây sao, cây mù u, cây tre, cây lác, chuối xiêm, hồng xiêm, dừa xiêm, vịt xiêm…

Được sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Thoại và sức lao động cần cù của nhân dân, không bao lâu vùng đất hoang vu sình lầy ở cù lao Dài đã trở thành nơi trù phú của tỉnh.

Đúng như Trịnh Hoài Đức đã mô tả: “Ở hạ lưu Long Hồ, chu vi 30 dặm ở đó dân cư 5 thôn Phú Thái, Phước Khánh, Phú Bình, Thanh Lương, Bình Thạnh. Nơi đây ruộng vườn ngăn nắp, sạch sẽ, phong thủy thanh tú có những cây thủy mai (mù u) đơm ngọc, hương toán (xoài) đeo vàng, đáng gọi là nơi sung túc, nhàn tĩnh”(4).

Theo địa ba tỉnh Vĩnh Long năm 1936, đơn cử thôn Phú Phong thuộc tổng Bình Chánh, huyện Vĩnh Trị. Phủ Định Viễn có nhiều ruộng đất nhất Vĩnh Long, tổng cộng 3.913 mẫu, 2 sào, 14 thước(5).

Tất cả đều là tư điền, tự thổ và phân phối cho 29 chủ sở hữu. Người ít nhất có 11 mẫu 1 sào 1 thước, người nhiều nhất có 673 mẫu 6 sào 13 thước (hơn nhau 60 lần).

Thôn Phú Phong có nhiều điền chủ lớn. Đúng như Lê Quý Đôn đã viết: “Miền Gia Định có rất nhiều lúa thóc những người giàu có ở các địa phương, nơi thì có bốn năm mươi nhà, nơi thì có hai ba mươi nhà, mỗi người có hạng đầy tớ làm ruộng hoặc đến năm sáu mươi người, mỗi gia đình có thể nuôi hơn ba bốn trăm con bò, cày bừa, trồng trọt, cấy dắm, gặt hái, bận rộn suốt ngày, không lúc nào nghỉ ngơi.

Hàng năm cứ đến tháng Giêng, người ta thường xay và giã lúa thóc thành gạo đem đi bán lấy tiền tiêu dùng, vào những lễ tết chạp, còn từ tháng Giêng trở đi họ không còn thì giờ rảnh rỗi để xay giã lúa thóc.

Những lúc bình thường, người ta chuyên chở gạo thóc ra bán ở Phúc Xuân để đổi chác hay mua sắm những hàng vóc nhiễu hay trừu đoạn của người Tàu đem về may mặc, nên quần áo của họ toàn là hàng hoa tươi tốt, đẹp đẽ, ít khi họ dùng áo quần bằng vải trắng”(6).

Vĩnh Long là một tỉnh lớn ở Nam Kỳ xưa, số họ có thể lên tới năm bảy chục họ, riêng thôn Phú Phong có 5 họ. Họ Nguyễn có nhiều người hơn cả, song chia ra nhiều chi phái, nên không có ưu thế.

Trong làng Phú Phong, họ Võ có thế lực nhất, nhưng không độc quyền. Người Việt Nam có phong tục tốt là cho con cái lập gia đình với người khác họ, nên nói chung các họ thường thân thiện với nhau, chia sẻ lợi quyền cho nhau, đùm bọc nhau, cùng giữ hòa khí trong thôn xã nên mới có câu “chị ngã em nâng” “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Trong xã hội Việt Nam xưa, phụ nữ được bình quyền với nam giới, kể cả quyền sở hữu ruộng đất. Ở thôn Phú Phong, ông Nghị có 139 mẫu 5 sào 8 thước sơn điền chia phần nhiều cho vợ góa và con cả (trông nom hương hỏa), còn lại chia đều cho 3 người con gái và một người con trai. Nếu nói theo lối mới bây giờ là nam nữ bình quyền, còn lối cũ là “bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái”(7).

Trong số 29 chủ sở hữu nhiều ruộng đất ở Phú Phong thì có 10 phụ nữ làm chủ, chiếm 21,05% ruộng đất. Ngoài ra, người phụ nữ còn được quyền cộng hữu khi người chồng đứng tên làm chủ ruộng đất. Như vậy nước ta là một nước có định chế tôn trọng quyền phụ nữ vào hạng nhất nhì trong vùng và trên thế giới

. Điều đó nói lên vai trò, vị trí và sự tôn trọng người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Công lao bà Châu Thị Vĩnh Tế giúp chồng làm nên việc lớn được triều đình, nhà vua ghi nhận đặt tên kinh Châu Đốc Hà Tiên là Vĩnh Tế hà. Tên núi Sam là Vĩnh Tế sơn.

Thân mẫu của Nguyễn Văn Thoại- bà Nguyễn Thị Tuyết- là trang mẹ hiền, con là bề tôi tốt được vua Minh Mệnh tặng mỹ hiệu Thục Nhân và ban cho cáo mệnh.

Ở thôn Phú Phong, thôn trưởng và cai tổng là những người tuy có khá nhiều ruộng đất, song không phải là người giàu nhất làng. Một bà chủ có nhiều ruộng đất hơn cả thôn trưởng.

Còn dịch mục và tả bạ, có lẽ là hai người học vấn nhất làng thì lại “không có đất cắm dùi”. Học vấn chữ nghĩa thường không đi đôi với “ruộng cả ao liền”. Sĩ phu và phú nông hay địa chủ là những tầng lớp khác nhau.

Quan lại và sĩ phu tuy không giàu có nhưng được trọng thị đó là đạo lý dân tộc. Đó là thành quả của tư tưởng lấy đức để trị của Nguyễn Văn Thoại khi làm trấn thủ Vĩnh Thanh.

68 năm cuộc đời (1761- 1829), Nguyễn Văn Thoại- vị khai quốc công thần- đã để lại nhiều dấu ấn vàng son trên quê hương đất nước và nước ngoài. Đặc biệt với cù lao Dài (cù lao Năm Thôn) huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, ông đã cùng đồng bào biến vùng đất hoang vu, sình lầy thành nơi trời phú của đất nước.

Ông lấy cù lao Dài Năm Thôn xưa (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long ngày nay) là quê hương thứ 2 của gia đình dòng họ, nơi yên nghỉ cuối cùng của thân mẫu, của nhạc phụ, nhạc mẫu và những người thân trong dòng tộc từ xứ Quảng vào an cư lạc nghiệp ơ nơi này.

Trải qua bụi phủ thời gian, rêu phong che khuất song tất cả dấu ấn gia đình nội ngoại của ông bà Nguyễn Văn Thoại, Châu Thị Vĩnh Tế ở xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) vẫn còn lưu giữ và được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi ngưỡng mộ chiêm bái của du khách gần xa.

(1) Xem Nguyễn Đình Đầu. Nghiên cứu địa bạ tỉnh Vĩnh Long nxb TP Hồ Chí Minh 1993.

(2) Trịnh Hoài Đức văn hóa tàng thư số 50 Gia Định thành thống chí tập trung nhà văn hóa Phú Quốc vụ khánh xuất bản 1972.

(3) Văn hóa tàng thư số 51 (sách đã dẫn).

(4) Trịnh Hoài Đức sách đã dẫn tập tr31.

(5) Nguyễn Đình Đầu (sách đã dẫn) tr56.

1 mẫu = 10 sào = 4894,4016m2

1 sào = 489,44016m2

1 thước = 32,639344m2

1 tấc = 3,2639344m2

(6) Lê Quí Đôn phủ biên tập lục xuân giao dịch tủ sách cổ văn. Xuất bản Sài Gòn 1973 tr440.

(7) Nguyễn Đình Đầu sách đã dẫn tr143

  • ™TRƯƠNG CÔNG GIANG