Truyện ngắn

Con đường nghiệt ngã

Cập nhật, 06:13, Thứ Bảy, 18/03/2017 (GMT+7)

Người đàn bà thẫn thờ như mất hồn. Cặp mắt nhìn chăm chăm vào khoảng không, ngây dại. Không biết chị đang nghĩ gì.

Chỉ có một câu nói duy nhất được thoát ra từ miệng chị: “Tôi đã giết con tôi. Tôi đã quá ích kỷ. Tôi đã giết con tôi!” Trong căn phòng lạnh ngắt, mùi hôi và mùi alcol nồng nặc.

Trên những chiếc giường của khu bệnh biệt lập, những bệnh nhân đang nằm vật vã, thoi thóp. Những bộ xương với những hố mắt hun hút dường như đang cố níu kéo chút hơi thở mong manh.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
 
Và đứa con bé nhỏ ngày nào của chị cũng cùng chung số phận. Người ta nghe tiếng thì thào: “Tội nghiệp! Nó còn nhỏ quá!” Nó im lặng nhìn mẹ, mắt ráo hoảnh. Hai mẹ con không ai còn khóc được nữa. Nỗi đau quá lớn. Nó quay mặt đi. Rồi tất cả như một cuốn phim...

“... Happy birthday to you”. Sinh nhật 6 tuổi của Huy thật vui. Nội, ngoại, cô, chú, bác và các dì đều có đủ. Ổ bánh to tướng với 6 ngọn nến lung linh được đặt giữa phòng khách.

Mọi người thật rạng rỡ. Ba và mẹ thật đẹp. Bức ảnh chụp Huy và ba mẹ được phóng lớn treo trên tường. Một sinh nhật mà Huy nhớ hoài không bao giờ quên.

Ngày ấy, ba Huy là chủ một cửa hàng bán máy vi tính. Mẹ thì có một shop bán quần áo thời trang. Cuộc sống gia đình thật êm đềm hạnh phúc.

Tối tối ba hay chở hai mẹ con đi dạo phố. Những bữa cơm đầy ắp tiếng cười. Hè đến cả nhà lại đi nghỉ mát.

Mọi người thường chọc Huy: “Thằng này đẻ bọc điều. Nó như là ông hoàng nhỏ. Muốn gì có nấy”. Rồi ngày tháng cứ trôi qua, trôi qua trong tiếng cười vô tư của Huy, trong vòng tay ấp yêu của ba mẹ. Huy như một thiên thần nhỏ, hồn nhiên bay nhảy khắp nơi, không biết đến một tai họa đang dần ập xuống cái thiên đường nhỏ bé này.

… Gần một năm nay, trong nhà không còn tiếng cười đùa. Không còn những bữa cơm thân mật. Công việc làm ăn của ba càng thuận lợi, ba càng hay vắng nhà, có khi suốt đêm ba không về. Mẹ buồn lắm.

Năm Huy 12 tuổi, tết năm ấy trong nhà có vẻ khác thường. Một bầu không khí căng thẳng. Ba không ăn tết ở nhà. Huy hỏi mẹ thì mẹ trả lời: “Ba con bận việc trên thành phố vài tháng nữa mới về!”

Nó hơi ngạc nhiên “học gì mà tết cũng không được về ăn tết nữa?!” Không có ba, nhà thật buồn. Mẹ thì dàu dàu, cau có, thỉnh thoảng mẹ hay la rầy. Suốt ngày nó chỉ muốn ở bên nhà nội.

Nhà nội cách nhà ba mẹ khoảng một cây số nên sáng sáng chú Út hay qua đón nó về nội chơi với em Mi Mi và Ki Ki, con chú Út.

Huy làm sao quên được buổi tối hôm ấy. Cái buổi tối đã ảnh hưởng đến cuộc đời của nó.

Tối hôm ấy, như thường lệ mẹ gọi điện qua bảo chú Út đưa nó về nhưng bà nội và chú Út bảo nó nói với mẹ: “Con muốn ở lại với bà nội”. Thật tình nó cũng thích ở nhà nội hơn. Về nhà không có ba, có một mình mẹ, mà mẹ lúc này khó tính quá, hay la rầy nên Huy cũng không muốn về. Huy nói với mẹ:

- Mẹ ơi! Con muốn ở lại nhà nội.

- Không được. Con phải về ngay.

- Hông. Con muốn ở lại à!

Chưa đầy 10 phút mẹ đã xuất hiện. Gương mặt mẹ giận dữ:

- Con có đi về liền không?

Huy sợ hãi nép sau lưng bà nội:

- Nội ơi!

- Má kêu nó ở đây ngủ với má đó- Bà nội gằn giọng.

- Má muốn ngủ với nó thì qua bển ngủ. Con không cản. Còn nó phải về nhà.

- Sao hôm nay con khó khăn với nó vậy hả? Ngày thường nó cũng ngủ ở đây với má có sao đâu?

- Trước khác, giờ khác. Con đã không “dạy” được chồng con để cho ảnh hư đốn, giờ con không muốn con con cũng sẽ như vậy. Má đừng bênh nó quá để con không dạy được nó.

- Mày nói cái gì? Mày nói con tao hư đốn hả? Con tao hư đốn làm sao?- Bà nội không còn bình tĩnh được nữa, giống như con gà mái đang xù lông.

- Con má hư đốn ra sao thì tự má cũng biết mà!

Lần đầu tiên Huy thấy mẹ trả lời với bà nội như vậy. Từ nào đến giờ mẹ rất lễ phép và nghe lời bà nội. Sao hôm nay mẹ không giống với mẹ ngày thường chút nào. “Mẹ hỗn”- Huy nghĩ thầm trong đầu và cảm thấy bất bình trước thái độ của mẹ.

- Hỗn. Mày con dâu mà nói chuyện với mẹ chồng như vậy đó hả? Con tao hư đốn? Nó hư đốn là tại nó ở với mày. Mười mấy năm nay nó sống với mày cho nên nó mới hư. Thứ đàn bà tối ngày chỉ biết buôn bán kiếm tiền như mày, không chăm lo cho chồng con cho nên nó bỏ là phải.

- Má nói vậy là sao? Con cũng phải kiếm tiền lo cho con con. Vợ chồng con không thuận, má không hòa giải được thì thôi, xin đừng chia rẽ. Con má sai má không dạy lại còn đổ lỗi cho con sao?

Mẹ xua tay nói tiếp:

- Thôi đi, con không muốn gây với má, không thôi má lại nói là con hỗn. Con má, má đã không dạy được, thì để cho con dạy con con. Má đừng can thiệp vào chuyện của con nữa. Huy! Bây giờ con có về không?

Huy co rúm người lại vì sợ hãi, nó cứ mở to đôi mắt hết nhìn mẹ lại nhìn bà nội, không hiểu sao hai người lại cãi nhau về ba nó. Không phải ba nó đang học ở thành phố sao?

- Huy, con có về không? Tiếng thét của mẹ lôi Huy về thực tại. Nó lấm lét, trên tay mẹ là cây chổi lông gà.

- Không, tao không cho nó về. Mày có ngon thì mày đánh tao nè- Bà nội ôm chặt lấy Huy.

- Được. Là má ép con nói. Huy, bây giờ mẹ không giấu con nữa. Ba con chích xì ke bị đưa vào trại cai nghiện chớ không có bận việc gì trên thành phố hết. Ba con mê gái, đem hết tiền của cho gái ăn đó. Con cũng lớn rồi, mẹ không muốn giấu con nữa. Bây giờ về hay ở là tùy con.

- Cái gì? Ba chích xì ke hả mẹ? Xì ke là ghê lắm mẹ ơi!

Nó thảng thốt kêu lên. Cặp mắt trừng trừng nhìn mẹ nó như không tin vào những lời mẹ nó nói. Tuy nó còn nhỏ, chưa biết được xì ke, ma túy là như thế nào, nhưng ở trường, cô thầy đã dạy, đó là tệ nạn xấu xa, giết chết con người.

- À! Mày muốn la lên cho mọi người biết hả? Được, mở hết cửa ra cho mọi người cùng nghe- Nội thét đến lạc cả giọng.

- Mẹ đừng lo. Mọi người ở đây đều biết hết rồi. Còn gì nữa mà giấu.

Mẹ quay lưng bỏ ra cửa. Huy vùng vẫy tuột khỏi tay bà nội chạy theo mẹ nó.

- Mẹ ơi! Chờ con với.

Sau đó, ba nó bỏ trốn khỏi trại cai nghiện, đi theo người đàn bà kia, bỏ vợ, bỏ con, bỏ công việc làm ăn, buôn bán. Ông bà nội thương con chiều con nên nhất nhất đều nghe theo lời ba nó, đồng ý cho ba ly dị để sống với người đàn bà kia. Nó còn gặp ba nó một lần ở tòa án.

Tòa xử tài sản chia đôi, nó được về sống với mẹ. Ba nó an ủi: “Đừng buồn khi nào có tiền nhiều, ba sẽ đón con về sống với ba”. Có một người đàn bà chờ ba nó ngoài tòa án. Người đã phá hoại hạnh phúc gia đình nó. Cô ta còn trẻ và đẹp, nghe nói là bán bia ôm.

Từ một học sinh giỏi, Huy cứ tuột dần. Vào lớp, nó cứ như người mất hồn. Mẹ nó cũng không còn nghị lực để giúp nó đứng lên được. Không ai quan tâm đến chuyện học hành của nó.

Mỗi sáng mẹ nó chỉ kịp dúi vào tay nó vài chục ngàn rồi bảo: “Con ra bác Ba xe ôm chở đi học, trưa về ăn ở đâu đó rồi đón xe về. Tối về mẹ chở con đi ăn”.

Và cứ thế, sáng nó ôm cặp đi, tối nó ôm cặp về nhưng mẹ nó đâu có biết nó đi đâu. Suốt ngày, nó cắm đầu vào các trò chơi điện tử- những trò chơi bắn giết lẫn nhau.

Và khi nó bắn vào một tên giặc, trong đầu nó lại hiện lên: hình ảnh người đàn bà dụ dỗ ba nó, đôi khi lại chính là ba nó và nó rú lên: “Cho mày chết nè! Cho mày chết nè!”

Nó bắt đầu biết nói dối. Nhu cầu tiêu xài của nó ngày một tăng. Nó đã biết thụt bi da, đã biết hút thuốc, đã biết tụ tập bạn bè vào phòng karaoke, chat sex và cũng biết sờ mông, bẹo má các cô tiếp viên.

15 tuổi đầu, trông nó như một tay ăn chơi sành điệu. Mỗi ngày nó bịa ra một câu chuyện để moi tiền mẹ nó. Nào là học vi tính, học thêm Ngoại ngữ, Toán, Lý, Hóa...

Rồi quyên tiền giúp đỡ người nghèo. Mẹ nó thì như một cái máy. Nó cần tiền. Đưa tiền. Đơn giản vì mẹ nó nghĩ con thiếu thốn tình thương nên phải bù đắp một cái gì khác.

Dưới con mắt mẹ nó, nó vẫn là một đứa bé thật thà, ngoan ngoãn. Mỗi lần đưa tiền cho nó, mẹ nó lại dặn: “Nhớ mẹ dạy gì không?” Nó uể oải lặp lại: “Ra đường không được nhìn ba, ba cho gì cũng không được lấy”. Mẹ nó cười đắc ý.

Nhưng cuối cùng hai cha con cũng gặp lại nhau sau mấy năm trời xa cách. Ba nó bắt gặp nó sau một cơn phê còn ngây ngất ở một quán cà phê.

Cặp mắt đờ đẫn, đê mê của nó cố hé mở để nhìn người đàn ông trước mặt. Không còn một nét quen thuộc nào.

Một gương mặt bệ rạc của rượu và gái, xanh xao bủng bệu vì những cơn ghiền. Nghe nói người đàn bà kia đã bỏ ba nó sau khi ông đã sạch túi.

- Huy! Sao con lại như thế này?- Ba nó ngạc nhiên kêu lên.

- Thì cũng như ông thôi- Nó nhếch môi trả lời.

- Con có biết là con đang hủy hoại cuộc đời mình không?- Ông ta nổi giận, gương mặt chuyển sang trắng bệch.

- Vậy ông không tự hủy hoại đời ông sao? Chẳng những ông hủy hoại đời ông mà ông còn hủy hoại cả gia đình mình nữa. Ông có quyền gì mà nói với tôi?

- À! Thì ra mẹ mày dạy cho mày như vậy đó hả?- Rồi ông cố trấn tĩnh- Ba xin con. Con cố gắng học hành cho nên người. Con có biết là ba thương con lắm không?

- Thương tôi? Nghe cảm động quá hé! Nếu thương tôi, ông đâu có bỏ mẹ con tôi mà đi. Thôi ông ơi! Cho tôi xin đi...

- Cuộc đời ba đã không ra gì rồi. Có hối thì cũng đã muộn. Nhưng ba nhất quyết không để cho con vướng vào con đường nghiện ngập. Con phải vào trại cai nghiện ngay!

- Tức cười quá! Ông lo ông còn chưa xong ở đó lo cho ai? Nó khinh khỉnh bỏ đi.

Cuối cùng ba nó cũng tìm được nhà. Chiến tranh lại xảy ra sau bao năm im lặng.

- Cô lãnh dạy dỗ con mà như vậy sao?- Ba lớn tiếng.

Anh đã không có trách nhiệm làm cha thì đừng hỏi tôi dạy con như thế nào. Con tôi vẫn học hành đàng hoàng, ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Anh muốn tôi phải dạy nó như thế nào?

- Vẫn như cũ. Suốt ngày chỉ biết tiền. Cô có biết nó học hành ra sao, đi đâu, kết bạn với hạng người nào không?

- Con tôi, tôi tự biết không cần anh lo.- Mẹ xẵng giọng.

- Nó chích xì ke kìa, cô có biết không?

- Cái gì? Nó chích xì ke hả?- Mẹ tái mặt- Sao anh biết?

- Tôi gặp nó đang chích. Cô còn nói gì nữa đây?

- Huy, ra mẹ biểu. Con nói thật đi. Có phải con chích xì ke không?- Giọng mẹ hoảng hốt.

Nó cúi đầu không trả lời.

- Đó, cô thấy chưa? Bây giờ cô tính sao? Tôi có một đứa con. Nếu nó có gì cô không yên với tôi đâu.

- Phải rồi. Nó là con anh nhưng anh có dạy dỗ nó đâu? Huy ơi! Mẹ tin con nhưng không ngờ con lại hư đốn như vậy. Hết cha rồi tới con. Đúng là “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Chắc mẹ không sống nổi quá Huy ơi. Con muốn giết mẹ phải không?

Cặp mắt nó căm thù nhìn ba:

- Không phải mẹ luôn dạy con “phải căm thù ba con, phải trả thù ba con!” đó sao? Thì bây giờ con đã trả thù được cho mẹ rồi. Ba đã làm cho mẹ đau khổ. Bây giờ con làm cho ba đau khổ. Ba làm sao, tôi làm vậy.

Ba nó sững người, nhìn nó trân trối:

- Con ghét ba đến như vậy sao? Con muốn trả thù ba, làm cho ba đau khổ. Bây giờ con đã toại nguyện. Chưa lúc nào ba thấy mình đau khổ như lúc này.

Ba nó từ từ gục xuống. Những giọt nước mắt hối hận. Nó chợt nghe đau nhói. Trong lòng nó, nó vừa giận vừa thương ba. Nó nhìn lên bức ảnh gia đình, sinh nhật năm ấy, những tháng ngày hạnh phúc. Mắt nó cay cay...

Ba nó nghẹn ngào:

- Huy ơi! Dù con ghét ba như thế nào, con muốn trả thù ba ra sao ba cũng chịu, nhưng xin con, ba xin con đừng hủy hoại mình nữa.

- Hãy vào trại cai nghiện nghe con. Mẹ sẽ bỏ tất cả để lo cho con- Mẹ nức nở.

Nó nghe lời mẹ. Nó rất thương mẹ nó. Trong thâm tâm nó vẫn muốn ba mẹ nó trở lại như xưa. Nó biết trong đời ai không có một lần lầm lỗi.

Nó biết ngay cả cách trả thù của nó cũng sai lầm. Nhưng nó đâu biết cái giá nó phải trả thì quá đắt. Sau khi vào trại cai nghiện và được đưa đi thử máu nó mới biết là nó đã nhiễm phải căn bệnh chết người, bệnh SIDA. Tinh thần nó suy sụp hoàn toàn. Nó cảm thấy tuyệt vọng.

15 tuổi đầu, nó không tin là mình có thể bị nhiễm HIV. Trong những lúc buồn bã, chán đời, thiếu thốn tình thương, người thân, nó đã thả lỏng cuộc đời...

Bây giờ cuộc sống của nó thật mong manh. Nó phải chịu đựng những cơn đau vật vã về tinh thần lẫn thể xác. Trong căn phòng biệt lập với 4 bức tường trắng toát, nó nằm gẫm lại chuyện đời mà thấy như là một giấc mơ. Nó không còn muốn suy nghĩ gì nữa.

Nó đã không còn cảm xúc với những sáng chiều ông bà nội và người thân đến bên giường khóc lóc, nó đã không còn cảm xúc khi nhìn mẹ nó điên loạn, nó cũng không còn cảm xúc khi nghe tin ba nó cũng đang cùng chung số phận với nó.

Nó thấy cuộc đời như những trò chơi mà nó vẫn thường chơi. Không chỉ những trò chém giết bằng súng đạn mà bất cứ đứa trẻ nào cũng chơi được, người ta còn có thể giết hại nhau bằng những tư tưởng xấu xa, ích kỷ. Nó biết, nó và ba mẹ nó đều sai lầm, nếu cho được lựa chọn lại, có lẽ gia đình nó sẽ biết làm như thế nào.

Nhưng tất cả đều quá muộn. Tan vỡ... vỡ tan.

Nó nhắm mắt lại. Có thể sau giấc ngủ này tất cả sẽ chấm hết. Nó cầu mong sẽ không còn ai mắc phải sai lầm đáng tiếc như gia đình nó.

HÙNG MINH (TP Vĩnh Long)