Chuyện kháng chiến

Thoát hiểm!

Cập nhật, 13:41, Thứ Ba, 21/02/2017 (GMT+7)

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng giao thông công khai là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hệ thống thông tin liên lạc của ta, nhất là khi phong trào cách mạng gặp khó khăn.

Đây là những đơn vị tinh gọn có biên chế rất đặc biệt, bao gồm nhiều lứa tuổi, giới tính, trình độ học vấn, từ các em bé đến những người già cao tuổi, sinh hoạt và công tác đơn lẻ hay theo từng tổ như một gia đình trước mắt địch…

Họ có điểm giống nhau là rất mực trung thành với cách mạng, dũng cảm và giỏi ứng phó khi đối mặt với địch. Dưới đây là vài chuyện như thế ở bộ phận giao thông công khai thuộc Tỉnh ủy Vĩnh Long.

“Tao mổ bụng mày!”

Là tổ trưởng của một trong các tổ giao thông công khai, đồng chí già Lê Văn Đẩu chỉ huy 2 đồng chí thiếu niên Lê Quốc Dũng (12 tuổi) và Lê Quốc Trị (9 tuổi) là anh em ruột. Họ vào vai ông cháu đi buôn bán đường dài trên một chiếc ghe 5 tấn. Nhiệm vụ của họ là giữ liên lạc giữa Tỉnh ủy Vĩnh Long và Khu ủy Tây Nam Bộ.

Vào năm 1970, trong một chuyến chuyển tài liệu và đưa đồng chí Phi Sơn đang công tác ở Thị xã ủy Vĩnh Long về khu dự hội nghị, khi ghe vừa qua đến Cần Thơ thì bị tàu tuần tra cao tốc của Mỹ mà người dân quen gọi là bo bo kêu lại xét hỏi.

Ai cũng có giấy tờ hợp lệ, nhưng bọn lính thấy đồng chí Phi Sơn mặc bộ đồ mới quá không giống người đi buôn nên sinh nghi. Biết tra hỏi người lớn chẳng ăn thua gì, chúng tách 2 đứa trẻ sang bo bo điều tra.

dỗ mãi không xong, một tên lột hết đồ 2 em ra rồi cầm dao lê dí vào bụng Lê Quốc Dũng hăm he khi hỏi về đồng chí Phi Sơn:

- Ông đó là Việt Cộng? Không nói tao mổ bụng mày!

Dũng giả bộ hoảng sợ mếu máo nói đúng như những gì mà ông Đẩu đã khai thông cho các người trên ghe trước khi ghe rời bến để có thể trả lời giống nhau trong trường hợp bị địch xét hỏi:

- Con thấy ông đó mua bán với ông nội con. Nay ổng có giang ghe về ghe của ổng chớ con có biết gì đâu.

Không dọa được đứa lớn, chúng quay sang cách ly hai đứa trẻ rồi tra khảo đứa nhỏ như cách chúng làm với anh nó. Bé Trị cũng nói y như anh nó.

Cuối cùng, chúng buộc phải trả 2 đứa trở lại ghe và cho ghe đi. Đồng chí Phi Sơn một phen thoát hiểm nhờ sự khôn ngoan và gan lì của 2 đồng chí đang tuổi thiếu niên!

“Chú bình tĩnh!”

Năm 1971, đồng chí Năm Nga (Nguyễn Thị Kim Liên) và Út Mót nhận lệnh của Tỉnh ủy đưa đồng chí Bảy Hoàng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Vĩnh Long đi công khai bằng xuồng máy xuống dự hội nghị tại Tỉnh ủy Trà Vinh. Điểm đến tại một nơi thuộc huyện Tiểu Cần.

Xuồng máy thực hiện chuyến đi hôm đó do Út Mót lái. Năm Nga ngồi phía trước có nhiệm vụ cảnh giới và ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra, vị khách duy nhất của họ là đồng chí Bảy Hoàng ngồi giữa.

Trên xuồng còn chở thêm thúng bánh, trái cây và gà vịt để ngụy trang như 2 cô con gái đưa ba mình đi đám giỗ.

Sau khi nhắc nhở vị khách học thuộc tên họ mình, tên giấy tờ giả do ta làm, cùng báo cáo rõ lộ trình và quy luật hoạt động của tàu tuần tra cao tốc Mỹ trên sông để ông chủ động ứng phó khi cần thiết, họ cắm một lá cờ vàng 3 sọc đỏ của ngụy quyền trước mũi xuồng theo quy định của địch rồi xuất phát.

Từ cù lao Lục Sĩ Thành (Trà Ôn), xuồng chạy giữa sông xuôi theo sông Hậu để địch không nghi ngờ. Nhưng khi mới vừa đến khoảng giữa của khóa Trà Ếch thì gặp tàu Mỹ, nó bắn súng ra hiệu cho xuồng phải cặp vào.

Theo phản ứng tự nhiên, đồng chí Bảy Hoàng có vẻ mất bình tĩnh lệnh cho Út Mót tăng tốc đưa xuồng lủi nhanh vô bờ. Thấy vậy, Năm Nga lớn tiếng:

- Lủi vô bờ là tự vận, bo bo nó rượt chạy không kịp. Chú cứ ngồi yên bình tĩnh nhớ lại tên tuổi giả của chú trong giấy tờ để nó hỏi trả lời cho đúng- rồi chị trấn an thêm- Không sao đâu chú! Ghe xuồng nào qua đây chúng cũng đều xét hỏi, đủ giấy tờ là cho đi.

Khi xuồng vừa cặp vào tàu Mỹ, một tên lính có vẻ là tay phiên dịch nhanh nhẹn nắm lấy sợi dây trên mũi xuồng cột vào tàu của hắn rồi hỏi:

- Xuồng của ông già đi đâu?

Chị Năm nhanh miệng trả lời:

- Dạ, tụi em với ba đi đám giỗ ông nội em. Mấy anh kêu xuồng em lại có chuyện gì hông?

Thấy xuồng có tới 2 cô gái trẻ, tên lính làm bộ dễ dãi:

- Trên ghe có gì ăn không?

Biết địch chưa nghi ngờ gì, chị Năm thở phào, giọng liến thoắng:

- Dạ, có đồ đám giỗ chưa cúng, mấy anh hỏi thì em cho một ít bánh và trái cây ăn lấy thảo. Vậy là mấy anh ăn trước ông nội em rồi đó nhe!

Nói xong, chị nhanh tay lấy mấy đòn bánh tét và một ít trái cây đưa qua tàu của hắn. Hắn nhận liền rồi bỏ giọng trêu ghẹo:

- Ông già có con gái đẹp quá! Ba ơi cho con đi ăn giỗ với ba nghe?

Thấy đồng chí Bảy Hoàng ngồi làm thinh, chị Năm liền nói:

- Ba em, ổng bị lảng tai, mấy anh nói nhỏ ổng không nghe đâu.

Một tên Mỹ có vẻ là chỉ huy tàu nói gì đó với tay phiên dịch. Hắn quay ra hỏi chị:

- Có giấy tờ gì không?

Sau khi chị Năm trình cho chúng giấy tờ của các người trên xuồng, chúng không phát hiện tất cả đều là giấy giả do một bộ phận của ta làm nên cho xuồng đi.

Khi đến nơi rút kinh nghiệm chuyến đi, chị Năm Nga xin lỗi đồng chí Bảy Hoàng vì đã lớn tiếng với lãnh đạo và không chấp hành lệnh đưa xuồng vào bờ.

Chú Bảy cũng nhận thiếu sót trong việc này và cho rằng cách ứng phó tình huống của các chị rất hay, nhưng lệnh không cho xuồng mạo hiểm vào bờ của “tư lệnh xuồng” Năm Nga còn hay hơn!

 “Tôi muốn nhấn mạnh phần này: Trí tuệ của bà con mình lớn quá. Họ là những người bình thường (có khi chưa biết chữ) rất thiệt thà, hiền hậu, không cãi vã, so hơn thiệt với ai. Nhưng khi xử lý tình huống thật thông minh, bén nhạy kiệt xuất… Nếu như không có một khối người dường ấy khôn ngoan, lanh lợi hơn chúng tôi, họ sẽ không bảo vệ nổi chúng tôi và như vậy có nghĩa là mình “tha hồ” mà rơi vào tay địch…”

(Trích lời đồng chí Võ Văn Kiệt về Đội Giao thông công khai khu Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ)

 

HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)

(Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên- nguyên Trưởng Ban Giao thông công khai của Tỉnh ủy Vĩnh Long giai đoạn 1972- 1975)