Bút ký

Hương huệ trắng

Cập nhật, 06:09, Chủ Nhật, 26/02/2017 (GMT+7)

- Bà con ơi đến đây mà coi nè! Bắt quả tang rồi nhe! Tôi coi bác sĩ còn chối được nữa hông?

Tiếng la lớn làm mọi cặp mắt đổ dồn về một thanh niên hai tay đang khư khư giữ chặt tay của một bác sĩ nữ. Chàng thanh niên vẫn lớn tiếng:

- Thanh cao hả? Trong sáng hả? Y đức hả? Vậy cái này là cái gì đây?

Mọi người bắt đầu bu lại, tò mò nhìn xem cái gì nằm trong tay nữ bác sĩ mà chàng thanh niên cứ khư khư giữ chặt không chịu buông. Khi thấy mọi người tụ tập đủ đông, chàng thanh niên mới bỏ tay ra, thì ra bên dưới là một cái phong bì.

BS Huỳnh Kim Phương- Phó trưởng Khoa Nội tim mạch và Lão khoa.
BS Huỳnh Kim Phương- Phó trưởng Khoa Nội tim mạch và Lão khoa.

- Mọi người coi. Khi nãy tôi đưa mẹ bệnh nặng vô có gửi phong bì nhờ bác sĩ này chăm sóc đặc biệt cho mẹ tôi. Vậy mà bác sĩ này nói là tôi đừng có làm vậy.

Nào là nhiệm vụ của bác sĩ ở đây là điều trị cho bệnh nhân bằng tất cả tay nghề và y đức, nào là lương y như từ mẫu… Ôi! Đủ thứ hết nghe phấn khởi và cảm động lắm. Vậy mà quay đi đã thấy nhận phong bì của người khác. Công bằng y đức ở đâu hở trời?

Những cặp mắt xung quanh từ ái ngại chuyển sang tức giận rồi bắt đầu xem thường. Có tiếng nói:

- Bác sĩ bây giờ mà y đức cái con mẹ gì. Chỉ biết có tiền thôi. Không tiền thì có mà nằm chờ chết! Mèo còn bày đặt chê mỡ!

Tiếng xì xào vang lên khắp nơi. Chàng thanh niên được dịp bài hãi:

- Tôi biết mà. Chắc nghĩ tiền của tôi nuốt không trôi nên không lấy chớ gì?

Nãy giờ cặp vợ chồng vừa đưa phong bì cho nữ bác sĩ vẫn im lặng. Dường như có vẻ không chịu được nữa nên người đàn ông quát lên:

- Cậu im đi! Hồ đồ! Cậu biết cái gì mà nói. Tiền này là…

- Là tiền hối lộ? Tiền lì xì hay tiền hậu tạ, nói đại đi! Mấy cái này ai mà không biết, đợi ông phải giải thích sao?- chàng thanh niên cướp lời.

- Tôi nói cậu im đi, cậu không được xúc phạm bác sĩ Phương nhe!- ông già đỏ cả mặt như không kiềm chế được cơn giận sắp bùng phát.

- Có chuyện gì mà ồn ào ở bệnh viện vậy?

Tiếng một người đàn ông cất lên làm mọi người im lặng.

- Dạ thưa bác sĩ Trưởng khoa, không có gì, chỉ là hiểu lầm thôi ạ! - bác sĩ Phương trả lời.

- Hiểu lầm gì? Phong bì còn cầm trong tay mà nói hiểu lầm là sao?- chàng thanh niên vẫn lớn tiếng.

Bác sĩ Trưởng khoa nhìn bác sĩ Phương rồi nhìn chiếc phong bì hỏi:

- Bác sĩ Phương, em có gì giải thích không?

- Dạ… dạ… em- bác sĩ Phương ấp úng.

- Sao? Em… em… cái gì? Không giải thích được chớ gì?- chàng thanh niên đắc chí.

- Nè! Tôi kêu cậu im đi nhe!- người đàn ông đưa phong bì lên tiếng- Dạ thưa bác sĩ, tôi tên Nguyễn Văn Ngô, tự Ba Ngô ở Vũng Liêm, 3 tháng trước có đưa vợ tôi lên đây khám bệnh. Mà thiệt ra bác sĩ Phương nhận phong bì này không có gì sai trái cả. Chuyện là như vầy nè…

- Được rồi. Bác sĩ Phương và chú vô phòng tôi nói chuyện. Còn mọi người giải tán giữ trật tự trong bệnh viện- bác sĩ Trưởng khoa ra lệnh.

Chàng thanh niên xem chừng chưa tâm phục khẩu phục nên nhất quyết theo mọi người vào phòng bác sĩ Trưởng khoa để “làm cho ra lẽ” theo như anh ta nói.

Buổi trưa bệnh viện có vẻ yên ắng đôi chút. Bệnh nhân và người nhà sau một buổi lên xuống, chạy tới chạy lui khám bệnh, nhập viện nên ai cũng mệt mỏi, cố tìm một chỗ nghỉ ngơi lấy sức.

Cánh cửa phòng bác sĩ Phương khép hờ. Bác sĩ Phương cũng tranh thủ chợp mắt, cả buổi sáng vất vả thăm khám bệnh, giờ cố chợp mắt để lấy lại tinh thần cho buổi chiều. Có tiếng lào xào trước cửa phòng bác sĩ.

- Đau quá ông ơi! Tui đau quá, đi không nổi nữa rồi!

- Ráng lên đi! Để bác sĩ khám xong cho thuốc uống mới hết đau chớ!

- Mà tui đau quá đi hổng nổi nữa… ui da…

Bà cụ ốm yếu quê mùa ngồi bệt xuống hành lang, hai tay ôm bụng, mặt tái xanh thở mệt nhọc. Người đàn ông hoảng sợ, kêu om sòm:

- Bác sĩ ơi! Bác sĩ ơi!

Bác sĩ Phương bước ra:

- Có chuyện gì vậy chú?

- Bác sĩ làm ơn khám dùm bà nhà tui, sao bả đau bụng quá trời kìa!

- Dạ! Chú thím vô phòng con để con coi xem sao. Thím bị sao vậy thím?

- Dạ, tui đau bụng quá!- bà cụ chỉ tay vào phía bụng bên phải, nhăn nhó.

- Thím đau lâu chưa?

- Dạ, tui mới đau hồi tối tới giờ.

- Thím có bị ói mửa gì không? Đi tiêu tiểu được không?

- Dạ, có ói một lần, tiêu tiểu bình thường. Ui da… bác sĩ ấn vô là nó đau quá trời hà.

Bác sĩ Phương lẩm bẩm: “Sốt, phản ứng hố chậu phải”.

- Bà nhà tui có sao hông bác sĩ?- ông cụ hỏi.

- Dạ! Cháu nghi thím bị viêm ruột thừa cấp. Bây giờ chú thím đăng ký khám bệnh rồi lấy giấy siêu âm và xét nghiệm. Nếu đúng là viêm ruột thừa cấp thì các bác sĩ sẽ hội chẩn và chuyển đến Khoa Ngoại phẫu thuật. Vậy chú thím tranh thủ đi sớm nhe.

- Dạ!- tiếng hai ông bà dạ nghe yếu ớt.

10 phút sau, bác sĩ Phương chuẩn bị hồ sơ qua phòng làm việc. Vừa bước ra cửa, bác sĩ thấy ông bà khi nãy vẫn còn ngồi trước cửa phòng mình. Bác sĩ ngạc nhiên:

- Ủa? Sao chú thím còn ở đây?

- Dạ… Dạ thưa bác sĩ, tui hết đau rồi!- bà cụ run run nói.

Bác sĩ Phương hỏi:

- Sao lại hết đau? Có được khám bệnh uống thuốc gì đâu mà hết đau?

- Dạ! Chắc tại hôm qua tui ăn mấy con ốc không tiêu nên đau bụng. Để tui kêu chồng tui đi mua vài viên thuốc tiêu uống vô chắc hết à!

- Đâu có được. Thím đau tới mặt xanh môi tái vậy mà uống thuốc tiêu sao hết được.

- Dạ! Tui không sao thiệt mà. Thôi mình đi dìa ông ơi! Tui hết đau rồi.

Ông cụ hỏi:

- Không sao thiệt hông? Sao mặt bà nhăn dữ vậy? Thì vô khám coi bác sĩ nói sao, lỡ viêm ruột thừa thì phải mổ chớ.

- Nhưng mà… nhưng mà… mổ tốn tiền lắm- bà nhỏ giọng.

- Tốn cũng phải mổ, mạng sống bà mới quan trọng hơn tiền.

- Thôi! Hôm trước chị Ba xóm mình cũng mổ ruột nghe đâu tới năm, sáu triệu gì lận đó. Mình đâu có đủ tiền mà mổ. Chắc không sao đâu. Dìa… Dìa rồi từ từ tính ông ơi!

Hai ông bà cứ nhùng nhằng, dùng dằng. Bác sĩ Phương nghe hết câu chuyện. Bác sĩ không nói gì lẳng lặng quay lưng móc túi đếm đếm. Quay sang vợ chồng họ, bác sĩ nói:

- Dạ! Cháu còn bây nhiêu. Giờ chú thím cầm lấy đóng tiền khám rồi đi siêu âm, xét nghiệm. Phần còn lại để cháu trình bày với Ban giám đốc xem có hỗ trợ được phần nào chi phí cho chú thím được không?

- Dạ! Vợ chồng tui không nhận đâu. Nhận vầy… kỳ lắm.

- Gì mà kỳ. Mạng người mới quan trọng. Viêm ruột thừa mổ chậm rất nguy hiểm. Chú thím đừng ngại.

- Dạ… dạ… - vợ chồng họ cứ ấp úng mãi.

Bác sĩ Phương trấn an:

- Dạ thôi thì như vầy đi. Nếu chú thím ngại thì xem như cháu cho chú thím mượn, khi nào có tiền gởi lại cho cháu cũng được mà.

Vợ chồng già rưng rưng, cám ơn bác sĩ Phương rối rít rồi dìu nhau đi qua phòng đăng ký siêu âm.

Dạ thưa bác sĩ, câu chuyện là như vậy đó. Mấy hôm trước vợ chồng tui được mùa, bán bắp có dư chút đỉnh đùm túm nhau lên đây, trước là cám ơn bác sĩ Phương, nếu không có bác sĩ Phương chắc giờ này bà nhà tui đã xanh cỏ rồi, sau nữa là gởi lại số tiền mà bác sĩ Phương đã cho mượn. Ơn đức này nói thiệt vợ chồng tôi không biết bao giờ mới đền đáp được!

*

* *

Tiểu phẩm đã hạ màn mà cả khán phòng vẫn còn vang lên tiếng vỗ tay không ngớt. Mọi người đều đánh giá đây là tiểu phẩm hay nhất trong chương trình Hội thi “Báo công dâng Bác năm 2016”.

Một câu chuyện có thật và cảm động người xem. Và quả như dự đoán tiểu phẩm đạt giải nhất với số điểm tuyệt đối.

Ngồi kể với tôi mà Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh- Hứa Văn Chiến vẫn còn tấm tắc khen ngợi và tâm đắc với các y- bác sĩ đã trình bày tiểu phẩm người thật việc thật này. Ông nói: “Hay em viết một bài về bác sĩ Phương, nhân vật chính trong tiểu phẩm này đi”.

Trong bối cảnh ngành y đang tha hóa, xuống cấp về y đức, nạn mua bán bằng cấp, cò mồi từ khám bệnh đến chuyển viện làm mất lòng tin với nhân dân mà vẫn còn có những bác sĩ tâm huyết và đầy lòng nhân ái như thế này thật là đáng quý. Nếu được nhân rộng ra sẽ là một tấm gương tốt cho xã hội hiện nay.

Theo gợi ý đó, tôi xin một cái hẹn với nhân vật chính trong tiểu phẩm.

10 giờ sáng chủ nhật, tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long gặp bác sĩ Huỳnh Kim Phương- Phó trưởng Khoa Nội tim mạch và Lão khoa. Bác sĩ Phương tiếp tôi thật niềm nỡ. Ấn tượng đầu tiên là gương mặt phúc hậu, cặp mắt sáng và nụ cười thật tươi:

- Em xin lỗi. Chị chờ em chút nhe. Định hẹn chị ngày chủ nhật thời gian tương đối rảnh hơn những ngày khác nhưng ngày mai có một số bệnh nhân xuất viện nên em phải xem lại hồ sơ. Chị chờ em chút nhe!

Bác sĩ xin lỗi rối rít làm tôi cũng ngại. Biết là bác sĩ lúc nào cũng bận rộn, lu bu nhiều công việc nên nhín chút thời gian tiếp mình là quý lắm rồi, tôi xua tay:

- Không sao. Không sao. Bác sĩ cứ làm việc đi. Khi nào xong thì mình nói chuyện cũng được mà.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế nép vào một góc để không cản trở việc đi lại của các bác sĩ trong phòng làm việc của Khoa Nội tim mạch và Lão khoa.

Trong thời gian chờ đợi, tôi đưa mắt quan sát xung quanh. Các tủ hồ sơ đầy ắp hồ sơ bệnh lý. Trên bàn, hồ sơ cũng dày đặc.

Đặc biệt giữa đống hồ sơ có một chú heo đất trông thật dễ thương. Mọi người tất bật vào ra như chạy đua với thời gian.

Tôi lấy máy ảnh ghi lại khoảnh khắc làm việc của các bác sĩ. Có lẽ khi ngồi ở đây tôi mới cảm nhận được áp lực công việc của các bác sĩ. Điều đặc biệt là tuy mệt mỏi nhưng gương mặt người nào cũng thể hiện sự vui vẻ và nhiệt tình.

Sau khi giải quyết xong hồ sơ, bác sĩ Phương mời tôi qua phòng bác sĩ. Căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ. Những thủ tục đầu tiên được nhanh chóng thông qua.

Và câu chuyện đơn giản hơn tôi nghĩ bởi thật ra tôi cũng không có gì để hỏi mà chúng tôi cứ như 2 người bạn thân lâu năm gặp lại, tâm sự những chuyện vui buồn trong công việc.

Khi tôi hỏi về tiểu phẩm “Chiếc phong bì nhân ái”, bác sĩ Phương cười và cho rằng thật ra đây cũng chỉ là một trong những câu chuyện đã xảy ra ở bệnh viện.

Bác sĩ không nhớ mình đã giúp được bao nhiêu hoàn cảnh tương tự và có được bao nhiêu người trở lại nói một tiếng cảm ơn mà trong lúc giúp người bác sĩ chỉ nghĩ đơn giản là giúp được gì thì giúp, còn thật ra họ ở đâu và khi nào trở lại thì bác sĩ cũng không quan tâm, chỉ cần giúp được họ là bác sĩ thấy vui rồi.

Tâm sự về gia đình, bác sĩ rất lạc quan. Chồng bác sĩ Phương là bác sĩ Đỗ Văn Út, làm việc trong Khoa Sản- Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.

Vợ chồng họ có 2 cậu con trai khỏe mạnh, thông minh. Đứa lớn đang học ĐH Y năm 2 và đứa nhỏ thì đang luyện thi ĐH.

Ra trường năm 1992, bác sĩ Phương theo học chuyên khoa ở Bệnh viện Chợ Rẫy, đến năm 1997 xin chuyển về Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long để gần gia đình. Hiện nay bác sĩ Phương có một phòng mạch tư tại gia.

Tâm nguyện của bác sĩ là có thể chữa bệnh cho những người nghèo khó, cơ nhỡ. Nhiều khi những bệnh nhân nghèo đến khám thì bác sĩ Phương tư vấn, cho thuốc đôi khi còn cho cả tiền về xe vì hoàn cảnh quá khó khăn.

Nhìn nữ bác sĩ mảnh mai, nhỏ bé vậy mà nội lực thật thâm hậu. Công việc ở bệnh viện suốt ngày, tối về phải tiếp tục làm việc ở phòng mạch rồi cơm nước, nhà cửa, chăm sóc chồng và 2 con vậy mà vẫn luôn tươi cười.

Với bác sĩ Phương, hình như tất cả mọi việc đều đơn giản, không có gì là khó khăn hay phức tạp cả. Được cái 2 con của bác sĩ Phương chăm ngoan và học giỏi nên không để ba mẹ phải lo lắng nhiều. Chúng có thể tự mình chăm sóc bản thân, không ỷ lại vào ba mẹ.

Cũng là nhờ vào sự rèn luyện dạy dỗ của vợ chồng bác sĩ Phương ngay từ khi chúng còn bé. Tới bữa tự biết chuẩn bị cơm nước, ăn xong biết dọn rửa sạch sẽ, biết tự giác học hành nên vợ chồng bác sĩ Phương mới có thời gian yên tâm công tác.

Bác sĩ Phương cũng như Khoa Nội tim mạch và Lão khoa luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Y đức của Bác chính là bài học quý báu, là ngọn đèn chỉ lối cho những người làm công tác y tế noi theo.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.” Ngoài ra phải có lương tâm, trách nhiệm, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao đạo đức của người thầy thuốc.

Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 03-KH/TW của Ban Bí thư khóa XI, tập thể y- bác sĩ và viên chức trong Khoa Nội tim mạch và Lão khoa không ngừng phấn đấu học tập và rèn luyện “trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân”.

Hiện nay Khoa Nội tim mạch và Lão khoa có 120 giường, những lúc cao điểm không đủ giường cho bệnh nhân nên việc chăm sóc cũng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên tập thể y- bác sĩ trong khoa vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Có những bệnh nhân lớn tuổi, suy tim mạch đến bệnh viện khi sự sống chỉ còn tính trong hơi thở nhưng bằng sự tận tụy, trách nhiệm, y đức của một thầy thuốc các bác sĩ đã cố gắng giành giật mạng sống cho bệnh nhân từ tay tử thần, đem lại niềm vui cho thân nhân người bệnh.

Cũng có trường hợp bệnh nhân phải tử vong trong lúc cấp cứu, dẫu biết mọi người đã làm hết khả năng nhưng trong thâm tâm các bác sĩ vẫn luôn day dứt và mong một ngày nào đó bệnh viện sẽ có nhiều máy móc, phương tiện hiện đại hơn để hạn chế phần nào những ca nguy hiểm hầu đem lại niềm tin cho người dân.

Thấy tôi tò mò hỏi về chú heo đất dễ thương trên bàn làm việc, bác sĩ cười nói:

- Dạ cũng bình thường thôi chị. Khoa chúng em có lập ra một quỹ “Heo đất gây quỹ trái tim cho em”. Mỗi tháng, mọi người bỏ vào một số tiền tùy theo khả năng, số tiền đó sẽ dành để hỗ trợ mổ tim cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, còn dùng để mua sữa hay gởi chút tiền về xe cho những bệnh nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa. Thật ra cũng chẳng là bao nhiêu nhưng trong điều kiện đời sống còn vất vả, thiếu thốn xem như chúng em góp một phần nhỏ để trợ giúp cho người bệnh thôi.

Nghe bác sĩ nói mà tôi thật cảm động. Trong bối cảnh một số bệnh viện tìm cách ăn chặn tiền của bệnh nhân, khám bệnh gian dối, bán thuốc giả, cò mồi lôi kéo bệnh nhân đến phòng khám tư cho đến bảo kê ngăn chặn không cho chuyển viện mà tất cả chỉ vì một chữ “tiền”… làm bệnh nhân có người chết oan, có người tiền mất tật mang tạo nên sự căm phẫn, mất lòng tin đối với ngành y mà ở đây vẫn còn có những y- bác sĩ với nhiệt huyết, y đức, tận tâm phục vụ cho người dân, xem mạng sống của mọi người là trên hết, không vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm.

Nhớ lời dạy của Bác: “Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch, ban ơn…” Bác sĩ Phương và đội ngũ y- bác sĩ Khoa Nội tim mạch và Lão khoa luôn tận tụy phục vụ bất kể ngày đêm đem lại sự sống, sức khỏe cũng như lòng tin cho các bệnh nhân.

Và tất cả những đóng góp thầm lặng đó của tập thể Khoa Nội tim mạch và Lão khoa đã được đền đáp xứng đáng. Giải nhất Hội thi “Báo công dâng Bác năm 2016” là một phần thưởng lớn, là động lực để tất cả các khoa cố gắng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của một thầy thuốc.

Bác sĩ Phương chính là một tấm gương sáng cho ngành y trong giai đoạn mà đồng tiền đã làm mờ nhân cách và đạo đức con người như hiện nay.

Tôi mong rằng từ câu chuyện về bác sĩ Phương cũng như Khoa Nội tim mạch và Lão khoa của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, sẽ có thêm nhiều bác sĩ biết yêu thương, sẻ chia, tận tụy cũng như làm tốt y đức của một người thầy thuốc đối với nhân dân.

Gan Thị Phương Ánh (TP Vĩnh Long)