Xuân về mẹ hát ru con

Cập nhật, 06:33, Thứ Ba, 31/01/2017 (GMT+7)

Ru con yên giấc nồng- với mẹ là hạnh phúc. Cho nên, bất kể đêm ngày, bất kể nắng mưa, bất kể trưa hè oi nồng hay đông sang buốt giá... lời hát ru vẫn ngân vang, ngọt ngào, tha thiết: “Ầu… ơ! Trăm hoa đua nở tháng Giêng/ Có bông hoa cải nở riêng tháng mười/ Trăm cánh hoa cười/ Trăm nụ hoa nở đón mùa xuân sang…”

Thật tuyệt vời khi tuổi thơ được lớn lên trong lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Những câu hát ru dịu dàng là sợi dây gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng, trẻ thơ từ khi lọt lòng (thậm chí khi còn trong bụng mẹ) nếu sớm được tiếp xúc với hát ru, sẽ nhanh chóng nảy nở năng khiếu âm nhạc.

Hát ru còn kích thích trí tuệ, giúp phát triển ngôn ngữ, khơi lên trong tâm hồn con trẻ lòng nhân hậu... Suốt những tháng năm tuổi thơ, lời hát ru đã đưa con vào giấc ngủ êm đềm… “Ầu ơ… Trưa hè bên chiếc võng đưa/ Mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng…”

Từ bao đời nay, hát ru cứ tự nhiên nối tiếp nhau lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vừa ru cháu ngủ, dì Chính vừa xởi lởi, dì học lóm được 26 câu hát ru nhờ nghe bà, nghe mẹ ru con.

Những câu hát ru với dì có ý nghĩa đặc biệt, bởi nhờ nó mà dì có thể vừa làm việc nhà vừa ru ngủ, chăm sóc 7 người con.

Giờ đã gần tuổi 70, dì vẫn nhớ như in những câu hát năm nào: “Ầu… ơ! Anh bước xuống tàu tàu oằn tàu oại/ Anh bước xuống xe xe chạy xe nghiêng/ Tôi vịn vai cô hai nọ đừng phiền/ Chờ ba năm nữa tôi kiếm tiền cưới cô…”. Giọng dì vang lên đầm ấm, ngọt ngào khi đứa cháu trên võng khẽ cựa mình.

Chị Yến Linh- con dì Chính chia sẻ: “Tôi đã lớn rồi nhưng lâu lâu vẫn đòi nghe mẹ hát ru. Tôi luôn cảm thấy đứa trẻ thật hạnh phúc khi được ru ngủ nên tôi cũng hát ru con, để con cảm nhận được tình thương qua những giấc ngủ đầu đời”.

Hát ru là một thể loại đặc biệt trong kho tàng âm nhạc dân tộc. Ca từ trong câu hát ru thường nhẹ nhàng, phần lớn là từ ca dao, hò vè dân gian… nên thấm đẫm sự đời, đạo làm người, tình yêu quê hương đất nước.

Trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, nhà thơ Nguyễn Duy cho rằng, hát ru nuôi nấng tâm hồn con người từ thuở còn thơ: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”.

Và ông trăn trở: “Bà ru mẹ, mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?” Trước thời đại công nghệ, nhiều người càng lo: hát ru có được tiếp nối?

Riêng tôi, với cái nhìn đầy thiện cảm với hát ru, tôi tin rằng, như một dòng chảy lặng lẽ nhưng âm ỉ, hát ru sẽ tiếp tục được lưu truyền qua lời ca ngọt ngào, truyền cảm của những người bà, người mẹ...

Trong hát ru, mỗi người có cách thể hiện riêng, bổng trầm, khoan nhặt, đôi khi khác nhau về câu từ (do được truyền miệng) nhưng luôn vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, long lanh tình yêu dành cho những thiên thần bé nhỏ:

“Ru con, con ngủ cho lâu/ Để mẹ đi cấy ruộng sâu lâu về/ Ru con, con ngủ cho mê/ Mẹ còn lo chuyện lê thê kéo cày/ Ru con, con ngủ cho say/ Mẹ còn vất vả chân tay ngoài đồng”.

Ru con yên giấc nồng- với mẹ là hạnh phúc. Và khi ngoài kia, mùa xuân của đất trời đang thì thầm mời gọi, mẹ cũng nghe lòng rộn ràng, xao xuyến lạ. Lời hát ru con vì thế như càng ngân vang, đậm đà, tha thiết: “Ầu… ơ! Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân…”

TUYẾT HIỀN