"Sứ mệnh" của đoàn nghệ thuật lân sư rồng

Cập nhật, 16:40, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Theo quan niệm dân gian, múa lân sư rồng sẽ mang lại may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng. Gắn liền với đó là hình ảnh ông Địa mặt tròn trịa, tay cầm quạt, miệng luôn nở nụ cười hoan hỉ tạo thêm không khí vui tươi. Cũng vì lẽ đó múa lân sư rồng thường được tổ chức vào các dịp lễ, khai trương, sự kiện, Tết Trung thu, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền.

Các đoàn lân sư rồng trong tỉnh vẫn đang tiếp tục giữ lửa đam mê, truyền nghề cho các bạn trẻ.
Các đoàn lân sư rồng trong tỉnh vẫn đang tiếp tục giữ lửa đam mê, truyền nghề cho các bạn trẻ.

Chạy sô suốt tết

Ở Vĩnh Long, từ 20 tháng Chạp trở đi là các đoàn lân sư rồng trong tỉnh bắt đầu vào đợt diễn. Khoảng 7 giờ tối, chúng tôi có mặt tại sân UBND xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long) để xem văn nghệ và múa lân.

Tiếng trống vang dội khiến cả khu vực trở nên sôi động hẳn lên. Từ tiết mục đầu tiên là lân địa vũ, rồi múa rồng, kéo dài đến hơn 10 giờ đêm với tiết mục khép màn là lân lên mai hoa thung đã khiến sân UBND xã chật kín người. Hàng trăm cặp mắt dõi theo với không ngớt tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ.

Anh Lê Minh Hoàng- Trưởng đoàn Lân sư rồng Tân Hoa Đường (TP Vĩnh Long) cho biết, trước tết, đoàn đi diễn ở các trường, các xã. Tùy theo nhu cầu của họ mà mình tổ chức tiết mục, từ 1 đến 4 chú lân, rồng.

Múa lân sư rồng góp phần bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống của dân tộc. Trong ảnh: Biểu diễn lân địa vũ.
Múa lân sư rồng góp phần bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống của dân tộc. Trong ảnh: Biểu diễn lân địa vũ.

Tới thời điểm rộ là từ khoảng 25 tháng Chạp, bởi từ ngày này các đội lân tham gia giải đấu trong tỉnh và các tỉnh lân cận, sau đó mới diễn theo yêu cầu trong những ngày tết.

Còn theo anh Nguyễn Phan Tánh Anh- Trưởng đoàn Lân sư rồng Hiền Anh Đường (Phường 8- TP Vĩnh Long), một sô diễn từ vài trăm ngàn đến hơn triệu đồng tùy vào số lượng lân sư rồng, dụng cụ (cột, mai hoa thung) và tùy theo số bài biểu diễn.

“Ở các địa phương, mỗi lần diễn xong, tụi em cũng được gia chủ ở gần đó kêu thêm, giá cả lúc này là cho bao nhiêu cho, tùy lòng mến khách của chủ”- Tánh Anh nói.

Anh Cao Văn Tâm-Trưởng đoàn Lân sư rồng chùa Bà Thiên Hậu cho hay, lịch diễn của các đoàn chủ yếu là từ đêm giao thừa kéo dài cho đến mùng mười.

Trong đó, những ngày người dân tập trung về quê ăn tết thì các đoàn cũng theo diễn. Còn đến khi khai trương thì dù “căng sức ra diễn liên tục cũng không đáp ứng kịp các khách hàng”.

“Hút hồn” qua từng màn đấu

Vào dịp năm mới tại Vĩnh Long thường tổ chức 2 giải đấu cho lứa tuổi thiếu nhi và thanh niên. Theo đó, nếu đêm thi của 12 đội lân nhí (tuổi từ 15 trở xuống) tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên thể hiện tốt những bài biểu diễn, được sự quan tâm của người hâm mộ, thì sau đó, giải đấu lân sư rồng tại Quảng trường TP Vĩnh Long càng thấy rõ sự lôi cuốn hút hồn của bộ môn nghệ thuật này.

Quy tụ hàng chục đội lân đến từ TP Vĩnh Long và các huyện. Các đoàn lân sư rồng mang đến những nội dung như múa rồng, lân địa vũ, mai hoa thung, lân leo cột hái lộc. Các đêm thi đấu lúc nào cũng chật kín khán giả từ lúc chuẩn bị biểu diễn cho đến kết thúc bài múa.

Theo anh Tánh Anh, mỗi đội sáng tạo của riêng mình nên có thể biểu diễn khác nhau nhưng vẫn đảm bảo đúng bài bản, nhịp điệu rõ ràng.

Múa lân sư rồng kết hợp nhịp nhàng những tiếng trống, tiếng thanh la lúc khoan, lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi phù hợp với các bộ pháp.

Pha trộn trong cái thần thái của lân là vẻ tinh nghịch thể hiện qua những động tác lân ngủ, lân chớp mắt hay sự mạnh mẽ trong bộ tấn pháp thể hiện qua những động tác nhào lộn, bật cao.

Trưởng các đoàn lân cho biết, lân lên mai hoa thung mới là tuyệt kỹ của mỗi đội lân. Vì khi đó người múa lân rất khó thấy được các điểm trên cọc trụ khi di chuyển.

Tuy vậy, họ phải vừa giữ được thần thái ổn định, vừa phối hợp động tác ăn ý, lại vừa thể hiện hoa mỹ qua các bộ tấn có cự ly dài ngắn khác nhau với độ cao khác nhau.

Ngoài ra, ở màn quyết định họ còn thể hiện các chiêu thức tổng hợp với các bước nhảy liên hoàn, phức tạp. Tiến đó rồi thoái bộ bất ngờ, bước qua phải, nhảy qua trái, lại liền trở bộ,…

Ghi nhận sau tiết mục này là những tràng pháo tay nổ giòn giã của tất cả những ai chứng kiến. Đó cũng là phần thưởng tinh thần và minh chứng cho sự hấp dẫn của môn nghệ thuật dân gian này.

Thỏa niềm đam mê của bạn trẻ

Biểu diễn lân lên mai hoa thung.
Biểu diễn lân lên mai hoa thung.

Là một môn nghệ thuật xuất hiện từ lâu đời nhưng để có bài múa lân đẹp mắt thì không phải dễ dàng học hỏi đơn thuần là được.

Em Trần Nhựt Hào- Trưởng đoàn Lân sư rồng nhí Hào Nhựt (Phường 1- TP Vĩnh Long) hồn nhiên cho biết: “Đội các em trong độ tuổi từ 10- 15, dù chưa biết võ nhưng nghe tiếng trống lân là rạo rực trong lòng nên thành lập đội. Tụi em biểu diễn được người xem vỗ tay chúc mừng là em thích rồi”.

Còn theo Lê Minh Hoàng, yêu cầu tối thiểu và trước hết đối với nghề múa lân sư rồng là phải có niềm đam mê. Ngoài ra, cần rèn luyện cho mình một sức khỏe tốt, lòng kiên trì. Dù không quá kén tuổi nhưng ở độ tuổi ngoài 30 thì khó mà thể hiện tốt được những màn múa ở mức độ khó.

“Không có võ vẫn múa được nhưng để có thể thực hiện những động tác phức tạp như leo trèo, bay, phóng, nhảy cao chính xác thì người biết võ sẽ dễ dàng thực hiện hơn”- Tánh Anh cho biết.

Sau khi thi đấu và chạy sô vất vả trong những ngày tết, mỗi đoàn sẽ có được một số tiền kha khá chừng chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi hỏi đến “có sống được bằng nghề này không?” thì phần lớn các đoàn lân sư rồng đều cười.

Nhiều năm diễn như Đoàn Lân sư rồng chùa Bà Thiên Hậu vẫn là những người “múa lân theo niềm đam mê”. Qua tết, phần lớn anh em đi làm khắp nơi. Bởi chỉ chi kinh phí múa một ít, còn tính tới việc đầu tư cho năm sau.

Bộ môn này thu hút tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em.
Bộ môn này thu hút tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em.

Từ con lân sư rồng với giá trung bình khoảng 6 triệu/con đến bộ dụng cụ như cái trống, toán, xả đồng, đội đều tự trang trải toàn bộ kinh phí. Còn dàn mai hoa thung thì chỉ có những đội “hành nghề” nhiều năm mới có khả năng sở hữu.

Như Hiền Anh Đường với 10 năm thành lập, số tiền đầu tư đã lên tới con số hơn 200 triệu đồng. Tánh Anh chia sẻ, tốt nghiệp đại học ngành thể dục thể thao nên em cũng đang cố gắng tìm công việc ổn định cuộc sống, nhưng đồng thời sẽ cố gắng duy trì đội lân.

Còn Minh Hoàng cũng cho biết, đoàn kiêm luôn cho thuê bàn ghế, nhà khách; nhận trang trí chương trình, khai trương, khánh thành để tăng thu nhập, thêm kinh phí cho thành viên trong đoàn lân.

Có thể thấy, phía sau những màn trình diễn hăng say, đẹp mắt là những giọt mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt của các bạn trẻ. Cùng với đó là bài toán kinh phí để làm sao đoàn lân sư rồng duy trì và phát triển.

Tuy vậy, hạnh phúc của bạn trẻ theo bộ môn nghệ thuật này chỉ đơn giản là được thỏa niềm đam mê của mình, đồng thời mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mọi người trong dịp năm mới và lấy đó làm niềm vui cho mình.

Nếu có thêm sự quan tâm, hỗ trợ từ địa phương, ngành chuyên môn thì các đội lân sư rồng sẽ là nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo này. 

Bài, ảnh: NGỌC DIỆP