Sân khấu Tết 2017 - hứa hẹn sự bứt phá

Cập nhật, 15:49, Chủ Nhật, 15/01/2017 (GMT+7)

Không khí xuân tươi mới đang tràn ngập trên khắp phố phường, trên mọi nẻo đường, góc phố, khu dân cư và ở các sân khấu nghệ thuật.

Nhiều đơn vị công lập, xã hội hóa (XHH) gấp rút chỉnh trang sân khấu, chuẩn bị ra mắt điểm diễn mới, dàn dựng và tập dợt những tác phẩm chất lượng, để kịp thời phục vụ công chúng những ngày đầu xuân.

Tết năm nay, sân khấu thành phố có sự góp mặt của gần 30 tác phẩm kịch đa dạng, chất lượng, hấp dẫn; Sân khấu cải lương Hưng Đạo sẽ sáng đèn suốt tết, một số điểm diễn mới ra mắt khán giả... Tất cả đang hứa hẹn một sự bứt phá ý nghĩa của lĩnh vực sân khấu trong năm 2017.

Đa dạng kịch tết

Khán giả yêu thích loại hình sân khấu kịch nói tha hồ chọn lựa các vở diễn theo thị hiếu, sở thích, để cùng gia đình, người thân, bạn bè thưởng thức trong những ngày xuân. Tính đến nay, có gần 30 tác phẩm kịch nói đã được các ông, bà “bầu” chăm chút, đầu tư, dàn dựng công phu.

Theo các thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở VH-TT TPHCM, hầu hết các vở kịch tết đều đạt được sự tiến bộ về ý tưởng, đầu tư dàn dựng, trình diễn.

Các tác phẩm kịch đạt được chất lượng cả về nội dung, hình thức, tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ, ý nghĩa và giá trị các thông điệp mong muốn gửi đến người xem.

Sự thay đổi này đang nâng dần chất lượng hoạt động biểu diễn và phục vụ nghệ thuật cho công chúng thành phố, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức biểu diễn của lĩnh vực sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói riêng.

Đến với Sân khấu kịch IDECAF, khán giả có thể chọn lựa thưởng thức các vở: Sắc màu (tác giả: Đăng Nhân, đạo diễn: Hùng Lâm), Đời bỗng dưng yêu  (tác giả: Quốc Bảo, đạo diễn: Vũ Minh), Chúng ta là gia đình (tác giả: Quốc Bảo, đạo diễn: Hùng Lâm), Yêu đi thôi (tác giả: Hương Giang, đạo diễn: Tuấn Khôi).

NSƯT Thành Lộc và NSƯT Kim Xuân ăn ý trong vở Đời bỗng dưng yêu của sân khấu kịch IDECAF
NSƯT Thành Lộc và NSƯT Kim Xuân ăn ý trong vở Đời bỗng dưng yêu của sân khấu kịch IDECAF

Dàn nghệ sĩ kỳ cựu, nổi tiếng của IDECAF: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, NS Bạch Long, Lê Khánh, Đình Toàn, Đại Nghĩa, Đức Thịnh, Hương Giang… tiếp tục tạo nên những khoảnh khắc, tình huống đầy kịch tính, giúp khán giả khi thì cười nghiêng ngả, lúc lắng đọng, cảm xúc với câu chuyện kịch đậm tình.

Sân khấu chính kịch Hoàng Thái Thanh có vở kịch đặc sắc Mơ trăng bóng nước (tác giả: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: NSƯT Thành Hội); Sân khấu Thế Giới Trẻ phát huy thương hiệu bằng những vở kịch đầy sức sống, sự trẻ trung, vui nhộn tưng bừng: Hồn anh xác em (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng), Chúng ta thuộc về nhau (tác giả: Bùi Quốc Bảo, đạo diễn: Quang Huy); Sân khấu kịch Phú Nhuận tạo dấu ấn lạ với vở Ám ảnh kinh hoàng (đạo diễn: Xuân Trang - vở được dàn dựng dựa trên tác phẩm Đoạt tình của tác giả Ngọc Trúc); Sân khấu kịch thử nghiệm Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh có 2 vở: Ngộ nhận (đạo diễn: Tây Phong) và I am đàn bà (đạo diễn: Hạnh Thúy); Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi chịu khó đầu tư đến một loạt vở kịch hiện đại và kịch cổ trang: Chàng và thiếp (đạo diễn Thanh Toàn), Phim trường đại chiến (tác giả và đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi), Hoa hậu ao làng (tác giả và đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi), Choáng tình (chuyển thể: Uyên Nhi, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi), Lọ Lem công chúa…; Sân khấu Sen Việt dựng vở hài kịch Lộc phát tài (tác giả: Lê Bình, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) và Thần kê đại hiệp (tác giả, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt); Nhà hát kịch TPHCM dựng vở hài kịch dân gian Nàng xuân đại náo (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Lê Diễn)…

Tết này, đạo diễn - NS Quốc Thảo kết hợp với NS Minh Nhí mở một điểm diễn kịch mới với sức chứa 120 khán giả, tại 26/6A Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Trước mắt, sân khấu này sẽ phục vụ tết những tiểu phẩm hài kịch mang tính giải trí cao, bên cạnh vở kịch dài Hồn mắt (đạo diễn: Quốc Thảo).

Sáng đèn sàn diễn cải lương

Bao lâu nay, sân khấu cải lương ngày tết khá eo sèo vì không có điểm diễn ổn định cho giới nghệ sĩ sân khấu làm nghề. Từ đó, khán giả mộ điệu cải lương cũng không có nhiều cơ hội để đến rạp xem nghệ sĩ biểu diễn.

Năm nay, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mạnh dạn làm mới không khí tết bằng hoạt động liên tục sáng đèn rạp Hưng Đạo, phục vụ suốt tết, trình diễn loạt vở cải lương đặc sắc mà nhà hát đã đầu tư dàn dựng trong năm như: Hiu hiu gió bấc, Hồn ma báo oán, Hoa vương tình mộng, Đời như ý

Tâm tư với hoạt động tổ chức và biểu diễn dịp Tết 2017, NSND Trần Ngọc Giàu mong mỏi và hy vọng, cách làm này sẽ tạo dựng lại thói quen đến rạp xem cải lương của rất nhiều khán giả mộ điệu sân khấu.

Ngoài ra, vào mùng 10 tết, tại rạp Công Nhân, Ban Ái hữu nghệ sĩ và Công ty TNHH Giải trí Kim Tử Long tiếp tục thực hiện chương trình Ba thế hệ - Về lại cội nguồn, với sự tham gia trình diễn của NSƯT Trường Sơn, NSƯT Kim Tử Long, NS Thanh Hằng, NSƯT Tú Sương, NSƯT Quế Trân, NS Trinh Trinh, Bình Tinh…

Đây là chương trình dành cho nghệ sĩ nhiều thế hệ cùng đứng chung sân khấu, cùng gìn giữ niềm say nghề của nghệ sĩ lão thành, tiếp lửa cho các nghệ sĩ trẻ, đồng thời duy trì điểm diễn phục vụ khán giả yêu mến sân khấu tuồng cổ.

Kỳ vọng sự bứt phá tươi mới

Tiễn đưa năm cũ, bước qua năm mới, dẫu tình hình sân khấu TPHCM vẫn chưa phải đã sáng tươi rực rỡ, nhưng nhờ sự tích cực, nỗ lực của những người làm nghề, say nghệ thuật, là động lực giúp sân khấu có được những điểm sáng đáng chú ý trên con đường hoạt động và phát triển.

Đáng quý nhất là sân khấu thành phố hôm nay vẫn còn đó một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên, chịu thương chịu khó, biết yêu quý, trân trọng nghề, hiểu được chỉ có sàn diễn thực tiễn mới đem lại cho người nghệ sĩ những thăng hoa cảm xúc thiêng liêng, ý nghĩa, có giá trị vô giá đối với con đường làm nghề, hoạt động nghệ thuật.

Từ đó, sân khấu hình thành một dàn nghệ sĩ kỳ cựu làm trụ cột cho từng sân khấu, bên cạnh đó, các sân khấu cũng nhanh nhạy đào tạo thêm một lớp nghệ sĩ trẻ tiếp nối, phát triển lực lượng diễn viên tại chỗ, đáp ứng nhu cầu hoạt động đa dạng của các sân khấu.

Với các vở diễn tết, theo giới chuyên môn, hầu hết các vở diễn phục vụ khán giả trong dịp Tết Đinh Dậu đều được chăm chút, đầu tư công phu.

Các sân khấu chịu khó tư duy, tìm tòi những ý tưởng mới, đặt hàng tác giả để có những kịch bản phù hợp với phong cách từng sân khấu.

Các đạo diễn đau đáu với công tác dàn dựng, anh em nghệ sĩ, diễn viên năng nổ lao vào tập luyện miệt mài, bất chấp thời gian… tất cả đều mong góp sức tạo nên sự thành công cho từng kịch bản, xây dựng được những vở diễn hấp dẫn, lôi cuốn.

Nội dung các tác phẩm chuyển tải sâu sát về tư tưởng nghệ thuật, tính thẩm mỹ, tính nhân văn, đề cao các giá trị đạo lý của con người trong cuộc sống, tôn vinh những giá trị tình cảm quý báu của đời sống tinh thần, trong đó nhấn mạnh giá trị tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình bạn bè, tình thân tộc, mặt khác cũng là lời cảnh tỉnh, phê phán cách sống hiện đại vô cảm, những thói hư tật xấu, sự ích kỷ, tham lam, lối sống ăn chơi sa đọa của một bộ phận giới trẻ có tiền, nhiều tác phẩm kịch còn khéo kéo đưa vào kịch bản những vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội hôm nay…

Theo chất lượng từng vở diễn, dự báo là sẽ có một loạt tác phẩm kịch tiếp tục sống dài dài sau tết. Với những bước khởi đầu năm mới ít nhiều có sự thuận lợi đáng quý, các sân khấu đang ở tâm thế vui tươi, hồ hởi và đặt nhiều kỳ vọng cho một năm có nhiều phát triển tốt đẹp hơn.

Theo SGGPO