Kiểng cổ, bonsai- lối chơi "cổ kim" hòa điệu

Cập nhật, 15:27, Thứ Ba, 31/01/2017 (GMT+7)

Chỉ vài thập niên gần đây, khi những trường phái chơi mới du nhập từ nước ngoài vào người ta mới gọi từ kiểng cổ, để phân biệt thú chơi dân gian người Việt từ xa xưa với những nghệ thuật bonsai (Nhật Bản) hay hoa viên, tiểu cảnh kiểu phương Tây.

Một cuộc giao thoa nghệ thuật “cổ kim” đã làm phong phú, đa dạng nghệ thuật cây kiểng Nam Bộ. Ở Vĩnh Long, phong trào phát triển mạnh từ Hội Sinh vật cảnh các địa phương, xuất hiện lớp người chơi trẻ, góp thêm nét đột phá, mới lạ, độc đáo.

Nghệ nhân trẻ Đình Toàn- TX Bình Minh (trái) bên tác phẩm bonsai khế gân.
Nghệ nhân trẻ Đình Toàn- TX Bình Minh (trái) bên tác phẩm bonsai khế gân.

Kiểng cổ- “đời người- đời cây”

Nghệ nhân cấp quốc gia Nguyễn Văn Mẫn (Sáu Mẫn)- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Có thể tạm chia ra làm 3 nhóm chơi chính hiện nay, như: kiểng cổ, bonsai và tự do. Ngoài ra, có thể kể đến phong cách phương Tây, được thiết kế tiểu cảnh, khuôn viên cho những biệt thự kiểu Châu Âu hoặc các công viên, công trình công cộng...”.

Nói về kiểng cổ, cần nhắc lại chút về nguồn gốc để hình thành nên phong cách chơi của vùng Nam Bộ, nơi mà có một thiên nhiên, khí hậu mưa nhiều, ấm áp quanh năm, tạo điều kiện cho rất nhiều loài cây cối phát triển.

Chính nguồn nguyên liệu cây trên vùng đất mới đã “chắp thêm” ý tưởng sáng tạo, làm nền tảng cho sự hình thành phong cách chơi cây kiểng Nam Bộ.

Do ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Lão giáo, con người muốn gần lại với thiên nhiên hơn, cùng với tư tưởng Nho giáo, nên chủ đề dáng thế kiểng xưa thường xoay quanh các chủ đề quen thuộc này.

Trong quá trình tạo lập cây kiểng, họ muốn gửi gắm tinh thần, tâm ý của mình vào từng chậu cây, từng tán lá, như nguyên lý sống, đạo làm người.

Nghệ nhân cấp quốc gia Nguyễn Văn Mẫn. Những tác phẩm bonsai tạo lũa của Đình Toàn.
Nghệ nhân cấp quốc gia Nguyễn Văn Mẫn. Những tác phẩm bonsai tạo lũa của Đình Toàn.

Cây được sửa có ngọn qui căn, hồi đầu (thể hiện sự không quên nguồn cội). Thế tam cang ngũ thường hay tam tùng tứ đức (thể hiện đạo làm người ở nam hay nữ thật rõ ràng)... Như vậy tư tưởng, triết lý sống của người xưa được hình tượng hóa rất rõ nét qua từng dáng thế cây kiểng cổ.

Theo ông Sáu Mẫn: “Chơi kiểng cổ đòi hỏi công phu, kiên trì, bởi để có một tác phẩm hoàn chỉnh phải qua thời gian hàng chục năm. Tuy nhiên, hiện nguồn cây kiểng cổ đang bị “tàn phá” dữ dội, nguyên nhân do con cháu không thấu hiểu ý nghĩa của cha ông gửi gắm vào tác phẩm, do cần tiền mà bán đi.

Phần phong trào chơi bonsai có một số người săn lùng kiểng cổ rồi cắt ngang, phá bỏ thế cổ, để tạo dáng thế mới hiện đại, nhanh chóng có sản phẩm bán ra thị trường. Hiện tượng này, thật là xót xa và đáng báo động, đang làm ảnh hưởng một trường phái kiểng cổ được cha ông ta tạo dựng từ hàng trăm năm nay”.

Chơi kiểng cổ, có thể nói nôm na “một đời người- một đời cây” với lối chơi tuân thủ nguyên tắc quá nghiêm ngặt, nên vài thập niên trở lại đây bonsai đang thịnh hành và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt nổi lên lớp người chơi trẻ, sớm hình thành phong cách riêng biệt, tạo nên những tác phẩm giá trị cao.

Bonsai dần chiếm thế “thượng phong”

Nếu theo trường phái kiểng cổ Nam Bộ thì những loại cây như: me, lộc vừng, khế, ổi... khó mà được xếp hàng vào loại cây “chiếu trên” sang trọng như: mai vàng, mai chiếu thủy, tùng, bách...

Nhưng thị trường và cách chơi ngày nay đã biến đổi nhiều rồi, người chơi không còn “kén” loại cây, mà phóng khoáng, tự do hơn, cây càng đẹp, càng độc càng có giá. Mới rồi, nghệ nhân Đình Tâm ở Long Hồ vừa “gả” cây khế 1,5 tỷ và cây sanh 700 triệu đồng.

Một số nghệ nhân thuộc lớp xưa cũng nhanh chóng tiếp thu và mở rộng thêm lối chơi bonsai, cũng không ít người tự nhận là mình không theo kịp, không bắt nhịp được thị trường với nhu cầu và giá cả rất “khôn lường”.

Một tác phẩm đã đạt HCV ở hội thi Bến Tre Tết 2016.
Một tác phẩm đã đạt HCV ở hội thi Bến Tre Tết 2016.

Hơn 40 năm chơi kiểng, nghệ nhân Lê An Khương- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Hòa Thạnh (Tam Bình) tâm sự: “Giờ đây, chỉ dành thời gian gầy dựng phong trào cho địa phương, sẵn lòng đào tạo những người mới vào nghề chơi”.

Ngoài ra, ông dành thời gian đi sửa kiểng, bonsai cho những người quen biết, có nhu cầu, chớ không có đủ sức tham gia thị trường đang khá rầm rộ”.

Hòa Thạnh được xem là địa phương cấp xã có phong trào chơi kiểng khá đồng đều và phát triển mạnh, đây cũng là hội cấp xã duy nhất của tỉnh có được hội thi sinh vật cảnh hàng năm vào những dịp Tết cổ truyền.

Cây linh sam lá nhuyễn, tạo lũa có giá 25 triệu đồng.
Cây linh sam lá nhuyễn, tạo lũa có giá 25 triệu đồng.

Nếu nói ở cấp huyện, thì TX Bình Minh được xem là địa phương có phong trào phát triển sớm của tỉnh. Hiện, nếu tỉnh Vĩnh Long mới có 5 nghệ nhân cấp quốc gia, thì Bình Minh đã có tới 3 nghệ nhân là các ông: Nguyễn Minh Thành (Tư Đen), Huỳnh Minh Thành (Ba Mua) và Huỳnh Văn Thu (bonsai). Ngoài ra, là 2 nghệ nhân: Đình Tâm (Long Hồ) và Sáu Mẫn (TP Vĩnh Long).

Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TX Bình Minh Trương Văn Tước, nhận định: “Phong trào ở Bình Minh phát triển khá sớm.

Ban đầu nhờ sự gây dựng của nghệ nhân Ba Mua vốn có thế mạnh ở cả kiểng cổ và bonsai, giờ đây hội phát triển khá rộng rãi, hình thành nên nhiều người trẻ tham gia- đặc biệt phải kể đến nghệ nhân trẻ Đình Toàn (40 tuổi)”.

Chỉ mới bắt đầu chơi từ hơn 5 năm nay, Đình Toàn giờ đã tạo được danh tiếng trong giới chơi ở địa phương và thường xuyên giao lưu trao đổi tác phẩm với người chơi trong cả nước.

Năm 2012, khi ghé thăm vườn bonsai của Đình Toàn, tôi còn nhớ chỉ có vài cây đáng xem nhưng giá trị cũng chưa cao lắm.

Tác phẩm được người chơi Đà Lạt trả giá 120 triệu đồng.
Tác phẩm được người chơi Đà Lạt trả giá 120 triệu đồng.

Nhưng giờ đây anh đã có hàng chục tác phẩm có hạng giá thấp nhất cũng vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, cùng hàng chục tác phẩm dạng cây nguyên liệu đang được nuôi dưỡng và tạo thế, chưa kể đã có nhiều tác phẩm được trao đổi, mua bán đi nhiều nơi trong nước.

Điều đó cho thấy, với kỹ thuật hiện nay, người ta có thể rút ngắn quá trình hoàn thiện tác phẩm bonsai, ngay như tạo lũa (thân chết) cũng không còn là vấn đề khó nữa.

Cùng với sự phát triển về đời sống kinh tế, xã hội, thú chơi cây kiểng cũng ngày càng cao hơn, cho nên “biên độ” giá cả cũng “giãn nở” vô chừng, từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu, hàng tỷ đồng một tác phẩm cây kiểng là chuyện thường.

Do đó, trong cuộc chơi này cũng có nhiều lúc “vàng thau lẫn lộn” giữa người chơi nghệ thuật thực thụ và một thị trường mua bán “thượng vàng, hạ cám”.

Nhưng nếu nhìn từ “gốc rễ”, đây là thú chơi làm đẹp cho cuộc sống về vật thể lẫn tinh thần. Người chơi có thể thỏa đam mê nghệ thuật vừa có thể tạo ra được nguồn thu nhập không nhỏ, thậm chí lợi nhuận kinh tế rất lớn khi có được những tác phẩm để đời. 

Đình Toàn khẳng định phong cách chơi của mình: “Trừ một số nguyên tắc căn bản thì cây không nên câu nệ đúng- sai, mà chỉ có đẹp- xấu”, đây là cách chơi hiện đại, phù hợp với trào lưu các nước hiện nay và có vẻ trái ngược với nguyên tắc chơi kiểng cổ. Do đó, tác phẩm không gây sự nhàm chán, mà luôn tạo cảm giác lạ lẫm, cuốn hút người xem bởi sự độc đáo, đa dạng của từng tác phẩm. Đó là trường phái chơi nương theo dáng thế sẵn có ngoài thiên nhiên, mà sáng tạo nên những tác phẩm hoàn chỉnh.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG