Giữ mãi nét đẹp ngày xuân

Cập nhật, 06:32, Thứ Ba, 31/01/2017 (GMT+7)

Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt quan trọng của người dân Việt Nam. Dù cuộc sống có bao bộn bề thì mọi người vẫn mong tết. Tết cũng là dịp để những phong tục đẹp, truyền thống của dân tộc được lưu giữ qua hàng ngàn năm càng thêm rực rỡ.

Du xuân, rước lộc với hy vọng năm mới đầy tài lộc, hạnh phúc.
Du xuân, rước lộc với hy vọng năm mới đầy tài lộc, hạnh phúc.

Có rất nhiều phong tục đẹp trong ngày Tết cổ truyền nhưng bất cứ gia đình nào cũng mong giữ được tục đoàn viên, sum họp trong dịp tết.

Vì ngày thường các thành viên trong gia đình ai cũng bận rộn công việc, có người phải sống xa quê nên không có mặt đông đủ. Chỉ riêng dịp tết, cả gia đình mới được quây quần, đoàn tụ bên nhau để tâm sự, sẻ chia những buồn vui trong suốt một năm qua.

“Tết là sum họp, là đoàn viên. Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, nên dù có đi xa đến đâu, ai cũng muốn quay về để đón tết cùng ông bà, cha mẹ, anh em mình.

Về để cùng ăn bữa cơm sum vầy, tỏ lòng thành kính tổ tiên. Chính vì thế dù sống nơi xứ người nhưng tết năm nào tôi cũng luôn cố gắng sắp xếp để được về quê hương.

Năm nào không về được là đến tết cứ trông ngóng, nôn nao, nhớ thương gia đình”- chị Trần Ngọc Diệp sống tại Mỹ chia sẻ.

Mâm ngũ quả ngày tết thể hiện những mong ước tốt lành trong năm mới.
Mâm ngũ quả ngày tết thể hiện những mong ước tốt lành trong năm mới.

Tục xông đất cũng được rất nhiều gia đình coi trọng, theo quan niệm dân gian của người Việt Nam, một năm mới bắt đầu từ mồng một tết, nếu ngày này mà mọi việc suôn sẻ, thuận lợi, may mắn thì cả năm cũng được tốt lành, hanh thông.

Chính vì vậy mà người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm cũng rất quan trọng. Các gia đình thường “để ý” những người thân, họ hàng, bạn bè mình có ai tuổi tốt, hợp với gia chủ hoặc có những cái tên mang ý nghĩa tốt lành, tươi sáng hoặc là người có tính tình cởi mở, vui vẻ, rộng rãi, làm ăn phát đạt, cuộc sống hạnh phúc… để nhờ xông đất đầu năm. Chính vì thế mà người được nhờ xông đất cũng “mang trọng trách” và cảm thấy vui vẻ, tự hào.

Cô Trần Thị Mạnh (xã An Bình- Long Hồ) cười vui chia sẻ: “Nhà tôi cũng rất kiêng cử, ngày mồng một ít đến nhà ai, còn trong nhà sáng sớm mồng một mở cửa ra thì cũng mong người nào tốt lành đến đầu tiên để mang may mắn cho cả năm.

Gần nhà có hai người cháu có tên là Phú và Quý, tốt tính, vui vẻ, hiền hòa nên năm nào nhà tôi cũng nhờ họ đến xông đất. Cứ theo ông bà xưa, có kiêng có lành mà”.

Đối với gia đình ông Nguyễn An- bà Nguyễn Thị Quý (Phường 2- TP Vĩnh Long)- một gia đình sống 4 thế hệ thì việc chúc tết, mừng tuổi đầu năm của con cháu trong nhà rất quan trọng.

“Dù con cháu có bận rộn mấy thì sáng mồng một phải tụ họp đầy đủ chúc tết ông bà, cha mẹ, nhận bao lì xì rồi ăn bữa cơm sum họp”- ông Nguyễn An chia sẻ.

“Các thành viên trong gia đình chúc nhau những điều may mắn, tốt lành nhất sẽ đến trong năm mới, chúc cho ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi, như cây cao bóng cả tỏa bóng mát che chở cho con cháu.

Người lớn thì mừng tuổi cho con cháu những phong bao lì xì đỏ tươi cùng những lời chúc tốt đẹp trong cuộc sống”- bà Nguyễn Thị Quý tiếp lời.

Bày trí, trang hoàng ngày tết rước ông bà là một phong tục đẹp của người Việt Nam.
Bày trí, trang hoàng ngày tết rước ông bà là một phong tục đẹp của người Việt Nam.

Anh Châu Văn Sang- con rể trong gia đình- cũng chia sẻ thêm: “Những nét truyền thống này chúng ta phải lưu giữ. Sáng mồng một là vợ chồng con cái tôi phải về chúc tết cha mẹ.

Điều này thể hiện được tình cảm trong gia đình, lòng kính trọng hiếu thảo với người lớn cũng là cách mình giáo dục con cái”.

Mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên ngày tết luôn rất được xem trọng và chăm chút tỉ mỉ. Ngũ quả là Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ, ngũ quả còn được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những nông dân.

Chưng mâm ngũ quả ngày tết mang một ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn và ước mong những điều tốt lành cho một năm mới sắp tới. Mỗi loại quả được lựa chọn để sắp xếp trong mâm ngũ quả đều mang những ý nghĩa riêng.

“Mâm ngũ quả của nhà tôi nhất định phải có cầu, dừa, đủ, xoài (xài) và trái sung để thể hiện ý nghĩa như tên gọi của các loại quả này”- bà Nguyễn Thị Quý cho biết.

Còn đối với chị Trương Thanh Vân (Phường 2- TP Vĩnh Long) thì ngoài các loại truyền thống trên, chị còn chọn thêm một số trái cây có màu sắc tươi đẹp cho mâm ngũ quả của gia đình mình tươi sáng, đẹp mắt mang may mắn suốt năm, trong đó chị chọn thêm táo có nghĩa là phú quý; bưởi, dưa hấu là căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn. Hồng, quýt tượng trưng cho sự thành đạt.

Gia đình ông Nguyễn An luôn coi trọng sự đoàn viên, sum họp, cùng nhau chúc tết ông bà, cha mẹ.
Gia đình ông Nguyễn An luôn coi trọng sự đoàn viên, sum họp, cùng nhau chúc tết ông bà, cha mẹ.

Kế đến, sau những giờ phút đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đi hái lộc. Nhiều người đến các đình chùa “rước lộc” bằng cách hái một cành lá nhỏ và mang về nhà, hy vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.

Những nét đẹp truyền thống trong ngày tết tuy giản dị mà thân thương, chính là giềng mối để kết nối xưa- nay, góp phần giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Giữ gìn và phát huy những nét đẹp ấy là một việc làm đầy ý nghĩa, thêm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI