Chúc thọ

Cập nhật, 05:57, Thứ Ba, 10/01/2017 (GMT+7)

Người Việt Nam trước đây chưa quen với lễ sinh nhật như phương Tây, mà chỉ chú trọng đến các kỳ mừng thọ. Lễ chúc thọ thường chỉ thấy ở gia đình có cuộc sống từ trung lưu trở lên. Gia đình có thu nhập thấp, ít người quan tâm vì còn phải đối mặt với cuộc mưu sinh khó khăn hàng ngày.

Nhiều người đến tuổi đại thọ mới tổ chức, nhưng có người vừa đến tuổi tiểu thọ (50 tuổi) cũng đã tổ chức rồi. Trước đây, một số gia đình quyền quý còn tổ chức vào độ tứ tuần (40) dù chưa phải vào hàng thọ.

Ở quê tôi, lễ chúc thọ được tổ chức trang trọng ngay tại nhà chứ không có lệ gà xôi, tam sanh đem ra đình bái tạ thần hưu như các nơi khác.

Ít khi tự mình đứng ra tổ chức, mà thường do con cháu sắp đặt bày biện để nhớ đến công đức của ông bà, cha mẹ. Gia đình nào có tam đại, tứ đại (3 đời, 4 đời) đồng đường (chung một nhà) thì cuộc lễ càng đông vui, trang trọng.

Người được chúc thọ mặc y phục đại lễ cổ truyền: áo rộng xanh có hình chữ thọ, quần lãnh trắng, chân mang giày hàm ếch, đầu đội khăn xếp đỏ. Trang nghiêm đứng trước tổ đường làm lễ gia tiên rồi ngồi trên chiếc ghế dựa kê sẵn bên cạnh, trước bàn thờ ông bà.

Nếu cha thì ngồi phía Tây, mẹ thì ngồi phía Đông. Người được chúc thọ nếu còn người hôn phối thì vị hôn phối cùng ngồi theo vị trí đã định để hưởng chung hạnh phúc.

Con cháu tùy theo lớn nhỏ xa gần đồng quỳ trước mặt cha mẹ để dâng lời chúc thọ. Người con lớn nhất thay mặt tất cả nói lên công ơn của cha mẹ, cầu chúc an khang, dâng quà mừng.

Cha (mẹ) hoan hỷ nhận lời, nhận quà, khuyên nhủ con cháu sống sao cho xứng đáng là một con người. Tiếp theo là những lời chúc, quà tặng của bà con, bè bạn xa gần.

Sau lễ chúc thọ chính thức, tất cả đều ngồi lại với nhau ăn uống nói cười vui vẻ. Người được chúc thọ thấy tràn trề hạnh phúc trước sự ấm cúng, thân thiện của con cháu trong nhà và bè bạn xóm giềng.

Lễ chúc thọ ở quê tôi không kéo dài như những nơi khác, mà chỉ gói gọn trong một ngày duy nhất, nhưng ý nghĩa thì thật lớn lao, nói lên được tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ.

Ngày nay, tuổi thọ của con người Việt Nam cao hơn trước nhiều. Nhiều cụ 80- 90 tuổi vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh.

Tuổi “cổ lai hy” như người xưa đã nói không còn là sự hiếm nữa. Tuổi để chúc thọ cũng vì thế mà cao hơn, nghi thức cũng có phần đơn giản nhưng tinh thần vẫn không đổi khác.

TRÀ KIM LONG (TP Hồ Chí Minh)