Cho cây ăn tết

Cập nhật, 15:35, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Những mảnh vải đỏ thắm, những chiếc nơ đỏ thắm bay bay, chấp chới như những cánh bướm phấp phới bay cao, xuống thấp trong khu vườn trước nhà.

Đứng giữa vườn cây ngày Tết Nguyên đán là hình ảnh ngoại tôi. Miệng cười thật tươi, bà cầm cây gậy tre chỉ trỏ bên này, bên kia cho mấy đứa cháu cột từng mảnh vải đỏ thành từng chiếc nơ nhỏ nhắn, xinh xinh vào mỗi gốc cây trong vườn ngày mùng một tết.

Cảnh tượng đã lâu lắm rồi mà sao trong tôi những hình ảnh ấy, những cảm xúc lâng lâng khi đứng bên ngoại ấy vẫn còn tươi rói như mới hôm qua.

Mỗi lần tết đến, bà ngoại thường sai mấy đứa con gái của cậu tôi chuẩn bị vải đỏ thật đầy đủ trong nhà để sau giao thừa, sáng sớm mùng một bà cháu sẽ xúm lại làm một công việc lý thú mà bọn nhỏ chúng tôi đã náo nức từ khi mâm cúng ông bà được dọn lên trên bàn thờ. Đó là “cho cây ăn tết”.

Ngoại nói. Cây cỏ cũng như con người. Một năm mấy mùa cũng phải làm việc cật lực. Nào hút nhựa từ rễ nuôi sống mình cây, nào ươm nụ, ra hoa kết trái phục vụ cho đời. Nào chống chỏi với mưa gió bão bùng, nóng lạnh vô thường của khí hậu, thời tiết…

Chỉ có mùa xuân, cây mới được hưởng thụ chút ấm áp của tiết xuân mà sinh nở, trưởng thành, mà nhú lên chồi non lộc biếc. Thắt chiếc nơ đỏ chính là mừng tuổi, là chúc phúc cho cây đồng thời làm đẹp cho những người bạn tốt của chúng ta đó thôi.

Còn nhớ ngoại tôi mỗi đêm giao thừa vẫn ra bẻ một nhánh của cây si cổ thụ mọc trước sân đem vào cắm trên bàn thờ. Ngoại gọi đó là cái lộc đầu năm rồi giảng cho đám con cháu chúng tôi về việc hái lộc.

Ngoại nói không phải cứ vào chùa gặp gì bứt nấy làm tan tác cả cây cối, hoa lá trong chùa là hái lộc. Vả lại, đám trẻ chỉ biết cầm cái gọi là “Lộc” đó đi lung tung rồi bỏ đâu đó trên đường chứ có biết giữ gìn, trân quý gì đâu.

Người xưa chỉ hái lộc từ những cây có sức sống bền lâu, bốn mùa xanh tốt như cây đa, cây si, cây bồ đề… để đem về cắm trên bàn thờ suốt mấy ngày tết mong cho năm mới được an khang, thịnh vượng như những loài cây “sâu rễ, bền gốc” kia.

Ngoại dạy: “Hái lộc là phải biết giữ gìn, trân quý lộc chứ đâu phải bứt bừa bãi tùy tiện như tụi con. Những lời của ngoại vẫn còn văng vẳng bên tai mà ngoại tôi đã theo ông theo bà rồi. Nhớ lời ngoại, mấy đứa em con cậu tôi giữ đất hương hỏa mỗi năm cũng theo lệ buộc vải đỏ vào cây, “cho cây ăn tết” như những năm xưa.

Tết năm rồi theo cô bạn về quê chơi, tôi lại ngạc nhiên khi thấy mấy gốc cây trong vườn bạn dán đầy giấy tiền vàng bạc. Hỏi ra mới biết tục lệ này có từ đời ông ngoại cô.

Cũng là một kiểu “mừng tuổi cây” của người vùng quê. Khác với bà tôi, ông ngoại cô bạn cứ đến ngày mùng ba, sau khi cúng tất là ra vườn, dán tiền vào cây để “lì xì” tết cho cây cối- những người bạn cùng cộng sinh với người làm vườn.

Theo ông cô thì cây cho hoa, cho trái nuôi sống con người, ngày tư ngày tết phải trả công, trả nghĩa cho cây mới là phải đạo.

Ông mất đã lâu nhưng anh em cô bạn tôi vẫn làm theo tục lệ cũ vào ngày mùng ba, cho cây ăn tết sau người một chút. Câu chuyện bất chợt nghe được khiến tôi ấm lòng. 

Thì ra người làm vườn xưa bao đời vẫn cư xử một cách đẹp đẽ, hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ là vậy. Những tập tục kia hiện giờ tuy đã ít nhiều nhạt phai nhưng may thay chưa hoàn toàn mất hẳn.

Trong âm thầm, lặng lẽ vẫn còn những con người biết sống có thủy có chung, biết quý trọng từng gốc cây ngọn cỏ che nắng, ủ mưa cho cuộc đời mình.

Mấy năm gần đây đọc báo, xem ti vi, cả thế giới ai cũng bức xúc về sự biến đổi khí hậu, về những thiên tai bão lụt liên tiếp xảy ra ở nơi này nơi khác do Trái đất đang nóng dần lên, lỗ thủng trên tầng ô zôn càng lúc càng rộng và đau xót nhất vẫn là sự đối xử tàn tệ của con người với thiên nhiên…

Làm sao khiến sự chung sống giữa con người với cỏ cây hoa lá và các sinh vật hài hòa êm ả như mong muốn của những kẻ có lòng mà “Lực bất tòng tâm”?

Mùa xuân này, nhất định tôi sẽ về quê ngày giỗ ngoại và mùng một tết, một lần nữa tôi sẽ cùng mấy đứa em cô cậu “cho cây ăn tết” như con bé ngày nào đứng cạnh bà trong khu vườn trước cửa nhà.

Những cánh nơ đỏ thắm, những cánh bướm đỏ thắm lại chấp chới bay trong rực rỡ nắng xuân. Và  khi “vạn vật nức xuân tâm” chắc chắn ngoại tôi sẽ vui lắm đó. 

NGUYỄN NGỌC TUYẾT