Cảm xúc cùng "Nón"

Cập nhật, 15:58, Thứ Tư, 27/07/2016 (GMT+7)

Có không ít người hồ nghi, vở múa đương đại Nón 2016 có dễ xem, dễ cảm và có dành cho công chúng số đông? Biên đạo Vũ Ngọc Khải đồng thời là diễn viên chính của Nón chia sẻ rằng, mỗi người đến với tác phẩm của anh với tâm thế khác nhau, cảm nhận khác nhau và ở đó, không có đúng - sai, chỉ có cảm xúc dẫn lối.  

Nói là tổng dượt nhưng đêm diễn tối 25/7 của Nón không hề khác đêm chính thức. Theo ê kíp của chương trình, mỗi đêm diễn là một diện mạo mới của tác phẩm bởi họ luôn sáng tạo không ngừng tùy thuộc vào cảm xúc sáng tạo, vào khán giả và sự giao lưu giữa nghệ sĩ - khán giả.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi năm nay, Nón được trình diễn theo phương thức 50-50, tức có đến 50% là sự ngẫu hứng trên sân khấu biểu diễn của người nghệ sĩ, khiến tác phẩm luôn mới mẻ.

Ma mị nhưng thăng hoa, đơn giản nhưng đa nghĩa là những cảm nhận đầu tiên về Nón. Trên không gian sân khấu tưởng chừng như chật hẹp ấy nón là biểu tượng của chương trình. Người nghệ sĩ núp mình dưới nón, hay sử dụng nó như một đạo cụ để biểu diễn, để phiêu linh và kể những câu chuyện cảm xúc rất đời.

Đó là những câu chuyện về mẹ cha ta, về cội nguồn dân tộc, về những hạnh phúc, đau khổ, những mất mát, sự kiếm tìm... Đó còn là câu chuyện mang đầy tính thời sự giữa xã hội hiện đại khi công nghệ dần làm chủ cuộc sống, nơi tính nối kết giữa con người, giữa cộng đồng, giữa các thế giới dường như càng mỏng manh hơn. 

Nhưng điều lớn nhất ở Nón 2016 cũng chính là câu hỏi: Tôi là ai giữa cuộc đời này?

Vỡ òa khi lần đầu tiên nhìn thấy thật gần những ngón tay của mình, cảm nhận được làn da và cả cơ thể đang hòa cùng với thiên nhiên, đất trời để rồi những hạt giống hạnh phúc mới lại được ươm trồng, vươn nở Nón đưa con người trở về với bản ngã, với những gì giản dị và chân phương nhất.

Nhưng cao cả hơn Nón khẳng định cái tôi Việt Nam. Đó là sự trở lại với cội nguồn của cả dân tộc trong xu hướng hội nhập thế giới.

Tất cả những điều đó, được truyền tải bằng âm nhạc, bằng ánh sáng và ngôn ngữ cơ thể. Ba yếu tố, nói như biên đạo Vũ Ngọc Khải, ánh sáng chiếm đến 50%, âm nhạc là 40% và múa chỉ 10% đã tạo nên sự thăng hoa. 

Không thể gọi Nón là cuộc độc thoại giữa hai người nghệ sĩ, dù trên sân khấu chỉ có Khải thăng hoa trong từng bước nhảy và Quang như dìu dắt, nâng bước cho người bạn diễn của mình bằng âm nhạc.

Sự nối kết với khán giả tưởng chừng như vô hình nhưng có thể cảm nhận được một cách rất rõ nét.

Đó không chỉ là sự nối kết bằng thị giác khi tất cả không thể rời mắt khỏi từng chuyển động cơ thể, thậm chí chuyển động của từng khối cơ trên cơ thể người nghệ sĩ.

Đó không chỉ là sự nối kết bằng thính giác với những âm thanh khi trầm, bổng, lúc dịu dàng khoan thai khi mạnh mẽ, dồn dập của chiêng dây, đàn tính, đàn môi 3 lá, đàn môi 1 lá, đàn bầu, giọng ca của người nghệ sĩ... Điều quan trọng hơn tất cả là sự hòa chung nhịp đập của trái tim.

Khải tâm sự, có một đoạn trong vở diễn anh chọn cách tĩnh lại để tìm sự chia sẻ nơi khán giả bằng chính ngôn ngữ cơ thể của chính mình. 

Và, đúng như lời hứa, Nón 2016 đã khoản đãi khán giả một ca khúc hoàn chỉnh của Ngô Hồng Quang - Về đồi non. Khi tiếng ca như chính lời nói, lời tâm tình thủ thỉ của người nghệ sĩ được vang lên cũng là trường đoạn cao trào nhất.

Lời ca ấy có thể xem như lời tình tự, gửi gắm của người con trai: chỉ có nơi mình sinh ra họ sẽ được yêu nhau nhiều nhất, được hạnh phúc nhất, được tự do như đôi cánh chim trời. Đó là lời mời gọi hãy quay về nơi chốn cũ để được sống trọn bên nhau, giao hòa cùng thiên nhiên và đất trời. 

Nón 2016 đã có cuộc trở về như thế.

Theo VĂN TUẤN (SGGPO)