Người "giữ hồn" cho nghệ thuật dân tộc Khmer

Cập nhật, 05:42, Thứ Bảy, 09/01/2016 (GMT+7)

Trong số 23 nghệ nhân của tỉnh Vĩnh Long vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đợt I/2015, nghệ nhân Thạch Đường là người dân tộc Khmer duy nhất của tỉnh vinh dự được phong tặng danh hiệu này. Ông cũng là người hiếm hoi âm thầm gìn giữ hồn cốt cho nghệ thuật truyền thống Khmer ở Vĩnh Long.

NNƯT Thạch Đường (thứ hai từ trái qua) cùng với các thành viên đam mê nghệ thuật truyền thống Khmer biểu diễn bài hát theo điệu À dây.
NNƯT Thạch Đường (thứ hai từ trái qua) cùng với các thành viên đam mê nghệ thuật truyền thống Khmer biểu diễn bài hát theo điệu À dây.

Nặng lòng với nhạc cụ truyền thống

Men theo con đường ngoằn ngoèo dẫn vào xóm nhỏ hun hút nằm tận ngoài rìa ruộng lúa ấp Kỳ Son; nhưng ngay ở chợ xã Loan Mỹ (Tam Bình), hỏi thăm người dân già, trẻ đều biết nhà của NNƯT Thạch Đường, có tên thường gọi nghe rặt miền Tây- “Chín Nghét”.

Đây là một con người đam mê và chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc Khmer; đặc biệt còn biết sáng tác cho nhạc truyền thống và tuồng tích cổ. Gia đình có 6 người thì cả 6 người đều... nhiễm cái máu đam mê đàn hát và biểu diễn tuồng.

NNƯT Thạch Đường tâm sự: “Hồi nhỏ, đi dự các lễ hội của đồng bào Khmer và được xem người ta biểu diễn tuồng tích của đồng bào, tôi thích lắm. Sau ngày đất nước được giải phóng khoảng 2 năm, tôi “thọ giáo” và được thầy Thạch Che ở chung xóm dạy chơi đờn cò. Học được hơn một năm, khi tôi mới biết chơi đàn chập chững, thì thầy Thạch Che qua đời. Không bỏ dỡ giữa chừng, tôi quyết tâm tìm bạn đờn để học thêm và đến nay tôi đã chơi loại đờn này một cách thành thạo”.

Không những chơi được đờn cò, ông còn tự mày mò và chơi được đờn gáo và giờ đây đờn cò, đờn gáo trở thành bộ đôi “song kiếm hợp bích” trong quá trình sáng tác nhạc cũng như trình diễn nhạc cụ của ông.

NNƯT Thạch Đường độc tấu đờn cò.
NNƯT Thạch Đường độc tấu đờn cò.

Theo NNƯT Thạch Đường, ông muốn sử dụng 2 loại nhạc cụ này một cách nhuần nhuyễn, vì đây là 2 nhạc cụ quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn truyền thống của đồng bào Khmer.

“Trong thể loại hát À dây thì đờn cò giữ vai trò chủ đạo, nó được diễn tấu trước để mở đầu cho tiết mục, đờn gáo giữ vai trò phụ đạo để phối âm. Còn trong hát Dù kê, thì đờn gáo sẽ đóng vai trò chủ thể”- ông Thạch Đường vừa diễn giải vừa minh họa vài điệu độc tấu.

Trong bộ nhạc cụ dân tộc Khmer, ngoài đờn cò, đờn gáo, còn có trống cơm, đờn khum, đờn tà khê, chập chã, song loan tre,… NNƯT Thạch Đường cho biết: “Mỗi loại nhạc cụ này đều có tính năng riêng biệt của nó. Đờn khum có tác dụng giữ âm sắc và tiết tấu, trống cơm giữ nhịp điệu và trường canh, song loan tre cũng để giữ nhịp và phối âm”. Tất cả hợp tấu tạo nên những âm sắc réo rắt, những điệu nhạc vui tai rộn rã, dễ đẩy người nghe muốn nhún nhảy tự nhiên, đó cũng là bản sắc của âm nhạc và con người Khmer Nam Bộ.

“Giữ hồn” cho nghệ thuật truyền thống

NNƯT Thạch Đường còn là “hạt nhân” trong làng sáng tác nhạc, tiểu phẩm mang tính truyền thống của đồng bào Khmer huyện Tam Bình. Bằng lòng đam mê, tài năng bẩm sinh, Thạch Đường đã “thổi” những làn gió mới vào những giai điệu truyền thống, góp phần làm cho nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer luôn được phong phú, đa dạng và giàu bản sắc văn hóa, nhưng cũng mang đậm hơi thở của cuộc sống, thời sự, nên vừa giữ được cái hồn của nghệ thuật dân tộc lại vừa mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.

Trong khoảng 15 năm từ năm 2000 đến nay, với niềm đam mê của mình, NNƯT Thạch Đường đã tự nghiên cứu, sáng tác, viết lời mới được hơn 20 bài hát dựa trên các làn điệu nhạc cổ truyền, với nhiều nội dung như ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi tỉnh Vĩnh Long đổi mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, trong đó có nhiều bài hát được các nghệ nhân, diễn viên Khmer biểu diễn tại các hội thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng của huyện, của tỉnh đạt giải cao.

NNƯT Thạch Đường kể lại một kỷ niệm khó quên: “Bài hát đầu tiên do tôi sáng tác mang tên “Vĩnh Long ngày mới”, viết theo điệu À dây, đem đi dự thi tại liên hoan khu vực Tây Nguyên và đạt giải nhất. Đây là một niềm vui, động lực to lớn để tôi tiếp tục sáng tác”.

Ngoài bài hát đã khẳng định được “thương hiệu” này, ông còn sáng tác hàng loạt bài hát hay, nổi tiếng khác mà khi nhắc tới rất nhiều diễn viên Khmer đều biết đến, như bài: “Niềm vui ngày hội Dolta”, “Nhớ ơn Đảng” (sáng tác theo điệu Dù kê), “Niềm vui ngày hội vào năm mới”, “Đóa hoa dâng Bác” (đạt giải A tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer năm 2004), “Hạnh phúc ngàn năm” (đạt giải A tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer tổ chức ở chùa Kỳ Son).

Với kỹ năng chơi đờn thành thạo, NNƯT Thạch Đường được tỉnh Vĩnh Long mời tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ tại Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer đến với đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Đồng thời, trong khoảng gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào Khmer, NNƯT Thạch Đường cũng đã dốc hết tâm huyết truyền dạy, hướng dẫn cho nhiều nghệ nhân, qua đó nuôi dưỡng tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống cho các lớp nghệ nhân trẻ, trong đó có thể kể đến các nghệ nhân giỏi như: Thạch Thương, Thạch Dũng, Thạch Phi, Thạch Dân, Thạch Danh,…

NNƯT Thạch Đường được xem là “của quý”, bởi lực lượng sáng tác nhạc truyền thống Khmer ở tỉnh Vĩnh Long rất hiếm hoi. Có thể nói, việc chuyên tâm mày mò học đờn, để sáng tác nhạc và truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho thế hệ mai sau như là phương thức hiệu quả để ông duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, từ đó góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của dân tộc.

Trước đây, NNƯT Thạch Đường cũng có thành lập được đoàn nghệ thuật Dù kê ở ấp Sóc Rừng để phục vụ bà con trong xóm, lễ hội của đồng bào Khmer ở địa phương. Trải qua nhiều biến đổi, đoàn Dù kê của ông rơi vào “dĩ vãng”, nhưng với lòng yêu nghệ thuật truyền thống, NNƯT Thạch Đường quyết tâm không bỏ nghề mà tiếp tục gắn bó với cây đờn cò- xem như máu thịt của mình, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer cho đến ngày nay.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG-MINH TRIẾT