Chuyện... thở

Cập nhật, 06:29, Thứ Năm, 16/01/2020 (GMT+7)

Để sống, con người phải có 3 điều kiện tối thiểu: ăn, uống, thở. Nói về khả năng chịu đựng của con người, các nghiên cứu chỉ ra quy tắc ước lượng gần đúng “số 7”: nín thở tối đa 7 phút, nhịn khát tối đa 7 ngày và đói ăn tối đa 70 ngày. Nếu thở là cần thiết nhất cho sự sống thì không khí là quan trọng nhất. Thế nhưng, bầu không khí đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Ô nhiễm đến nỗi có ý kiến đề xuất, nếu ô nhiễm nặng thì cho học sinh nghỉ học. Và, người viết cũng không khỏi nín thở khi đọc dòng thông tin “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại 240.000 tỷ đồng”. Và trên thế giới có đến 7 triệu người bị giết chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.

Căn cứ trên những số liệu và phương pháp, các nhà khoa học của ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45-5,64% GDP năm 2018.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Năm 2019, xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng với tần suất ô nhiễm tăng đáng kể. Có nhiều ngày mà Đài Truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) khuyến cáo chúng ta hạn chế hay tốt nhất là không nên ra đường.

Ô nhiễm không khí được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp, cháy rừng và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt đồng, đốt rác,… Và tác hại không chỉ “trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân đến từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí” mà là ảnh hưởng đến ngành du lịch, đến thu hút đầu tư,...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối. Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người.

THY HƯƠNG