Văn hóa giao thông khi kẹt xe

Cập nhật, 10:06, Thứ Ba, 10/12/2019 (GMT+7)

Trước hết phải nói rằng chuyện kẹt xe không chỉ phổ biến ở nước ta mà các nước khác cũng đang đối mặt với vấn nạn này. Có nhiều lý do kẹt xe. Có những lý do mọi người hoàn toàn chấp nhận như kẹt xe vì đường hẹp do phải thi công nâng cấp cầu, đường hay do chờ xử lý một vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra… Còn có những kiểu kẹt xe vì sự vô ý thức của người đi đường và gián tiếp nối dài thêm sự kẹt xe thì quả là đáng lên án.

Ví dụ như hôm qua trên QL1, xe kẹt hàng hàng cây số, từ Cái Bè đến tận chân cầu Mỹ Thuận. Vì làm đường, đường hẹp mà lưu lượng xe quá lớn nên kẹt là đương nhiên và vì lý do chính đáng như thế thì không ai phàn nàn gì.

Có điều là không chỉ kẹt một chiều như thường thấy mà đến điểm giao với QL30 (đường vào Xẻo Quýt) thì xảy ra tình trạng “kẹt cứng” 2 chiều. Còn trên QL30 cũng bị kẹt hàng mấy cây số. Lý do: 2 chiếc xe tải từ trong QL30 đâm ra “giành đường” ngáng hết phần đường cho xe từ hướng TP Hồ Chí Minh về cầu Mỹ Thuận. Thành ra, đường nào cũng tắc.

Đã vậy, những chiếc xe tải nhỏ len lách vào lề đường vượt lên trước, rồi ô tô con cũng “ăn theo”… Tình trạng kẹt xe vì thế càng thêm trầm trọng. Cám cảnh nhất là các xe cấp cứu… Tiếng còi xe cấp cứu trong khung cảnh hàng hàng xe bị “điểm huyệt” hay nhích từng chút một quả thật ám ảnh.

Kẹt xe không chỉ làm mất rất nhiều thời gian của người đi đường mà còn gây thiệt hại về kinh tế. Chưa nghe con số thiệt hại về kinh tế của người đi đường, của các xe chở lương thực- thực phẩm nhưng chắc chắn là không nhỏ.

Đừng để đường đi- đường về đồng bằng trở thành nỗi ám ảnh! Hãy góp phần giải tỏa, giảm bớt nạn kẹt xe bằng cách ứng xử văn minh của mỗi người đi đường! 

HOÀNG HÀ