Mùa nước nổi hết... vô tư

Cập nhật, 05:47, Thứ Bảy, 05/10/2019 (GMT+7)

Từ Đồng Tháp Mười “khô queo” trong đê bao, vụ lúa này vừa thu hoạch đã tính vụ gieo sạ mới, ruộng lúa nối vườn cây, ao cá… sản xuất quanh năm; đến vùng tứ giác Long Xuyên nước về trễ và lên rất nhanh, sản lượng cá tôm giảm mạnh và các đô thị ở giữa ĐBSCL thì phải vật lộn với triều cường “liên tục phá kỷ lục mực nước lịch sử”. Tất cả cùng nói lên vấn đề hôm nay: mùa nước nổi đồng bằng, người dân đồng bằng đã hết vô tư!

Vì sao như vậy? Người đồng bằng ai cũng hiểu lợi ích rất lớn của mùa nước nổi hàng năm: rửa phèn, diệt mầm sâu bệnh, đặc biệt cung cấp lượng phù sa quý giá cho đồng ruộng, mà theo kinh nghiệm nông dân- năm nào nước tràn ngập đồng thì làm lúa trúng mùa, gạo ăn cũng ngon hơn.

Ngoài ra, mùa nước nổi đồng bằng còn đem cá tôm theo nước lên đồng sinh sản và người dân hưởng lợi rất lớn từ các sản vật này.

“Con nước ở sông Cửu Long từ thượng nguồn đổ về và tháng 6, tháng 7 dâng lên từ từ tràn lên đồng “nằm” ở đó rồi đạt đỉnh tháng 9, tháng 10 và đến tháng 11 (đều tính theo âm lịch) bắt đầu rút xuống dần”- người dân đồng bằng “định vị” con nước.

Đến từ từ và rút êm ái, con nước đồng bằng hài hòa, thân thiện, nên người đồng bằng gọi thân thương mùa nước nổi (chứ không phải mùa lũ) là như vậy.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, ĐBSCL hình thành nhờ con nước và nó cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Khoảng 4.000-6.000 năm trước, nước đem phù sa, chất dinh dưỡng… bồi đắp dần theo thời gian mà miền Tây thành vựa lúa, tôm cá, trái cây trù phú. Mất mùa nước nổi, đồng bằng này sẽ không còn.

Diễn biến thực tế cho thấy đồng ruộng không có mùa nước nổi “mênh mông” so mọi năm. Người dân dần phải làm quen với việc chuyển đổi sản xuất, không còn “dựa” vào con nước mà phải thay đổi sinh kế để thích ứng và tồn tại.

Trong khi tại các đô thị Vĩnh Long, TP Cần Thơ cả chính quyền và người dân đều dốc lực chống chọi triều cường bất ngờ cao lịch sử, gây thiệt hại rất lớn nhà cửa, đường giao thông, đê điều, sản xuất phía hạ nguồn sông Cửu Long. Dẫu vậy, khi đang ứng phó đỉnh triều, người đồng bằng lại lo ứng phó hạn- xâm nhập mặn sắp tới…

Đi theo con nước là những băn khoăn, nghi vấn: mùa nước nổi ngày càng khác thường là do thiên tai hay con người? Mùa nước nổi thấp nhưng sao đỉnh triều rất cao? Các nhà khoa học vẫn đang lý giải nguyên nhân của những khác thường đó, do đỉnh triều cao hay ĐBSCL đang lún?

Ở góc độ của người dân quen với sông nước như lòng bàn tay thì xưa nay có con nước cái sẽ tới con nước đực, còn bây giờ kinh nghiệm dân gian đó coi chừng trớt, bởi diễn biến thời tiết, khí hậu, con nước đã không còn theo quy luật nữa.

TRẦN PHƯỚC