Giá trị xuất khẩu lao động

Cập nhật, 06:31, Thứ Tư, 09/10/2019 (GMT+7)

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là thị trường tiềm năng, khi mỗi năm mang về cho đất nước trên dưới 2 tỷ USD. Hiện lao động Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng vì trẻ, khỏe, lĩnh hội nhanh nhiệm vụ. Tuy nhiên, để có thể nâng cao giá trị lao động xuất khẩu, cần chuyên nghiệp hóa nhiều khâu, trong đó có ý thức, kỹ năng lao động.

XKLĐ Việt Nam bắt đầu từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa và đã đem lại nhiều thuận lợi cho đất nước. Đặc biệt từ năm 1991, hoạt động XKLĐ phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những năm gần đây, XKLĐ có nhiều khởi sắc, lực lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài tăng đột biến. Năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 người, vượt 30% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, thị trường lao động Nhật Bản dẫn đầu về số lượng lao động Việt Nam sang làm việc với 68.737 lao động, tiếp sau đó là Đài Loan: 60.369 lao động, Hàn Quốc: 6.538 lao động, Saudi Arabia: 1.920 lao động, Rumania: 1.319 lao động, Malaysia: 1.102 lao động...

XKLĐ góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và đem lại nhiều lợi ích kinh tế khác. Do vậy, phải luôn xác định việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một giải pháp lâu dài, phù hợp xu hướng nguồn cung trong nước cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động của một số nước ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, cần gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động cả ở cấp độ vĩ mô và cấp cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Mặt khác, việc chuyên nghiệp hóa cho lao động xuất khẩu là không thể thiếu để họ có kỹ năng lao động an toàn, hiệu quả, có ý thức lao động và trách nhiệm công dân đối với nước nhà. Qua đó, giảm dần tình trạng lưu trú bất hợp pháp hay bị bóc lột,…

Có thể nói XKLĐ không chỉ thu về ngoại tệ mà họ còn mang về nước tác phong công nghiệp, thay đổi những thói quen cũ đã và đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. 

THY HƯƠNG