Sẽ không còn dựa vào "ưu tiên"

Cập nhật, 07:31, Thứ Tư, 07/08/2019 (GMT+7)

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công thương cho biết: Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, hầu hết trên 80%.

Tại kênh truyền thống như chợ, cửa hàng tiện lợi, hàng Việt chiếm từ 60% trở lên. Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất ở Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa với hàm lượng khoa học công nghệ cao trong sản phẩm.

Tỷ lệ nội địa theo báo cáo của ngành dệt may hiện nay chiếm khoảng 50%, ngành da giày chiếm khoảng 40-50%. Điều này là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Một trong những nguyên nhân hàng Việt Nam được người tiêu dùng trong nước lựa chọn ngày càng nhiều, đó là công tác tuyên truyền liên tục, đạt hiệu quả cao và có điểm nhấn tạo dấu ấn trong cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp.

BCĐ cuộc vận động của 59/63 tỉnh- thành đã tổ chức hơn 4,7 triệu cuộc tuyên truyền với hơn 246 triệu lượt người tham dự bằng nhiều hình thức như lồng ghép, thông qua các buổi chiếu phim, hội diễn văn nghệ, kịch, pano…

Từ đó, đã làm thay đổi một cách cơ bản nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam và thay đổi tư duy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Thế nhưng Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng- cũng có nghĩa thị trường trong nước không còn là của riêng doanh nghiệp Việt- và họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài. Có lẽ giờ không còn là lúc dựa vào sự “ưu tiên” của người tiêu dùng. Thay vào đó, doanh nghiệp Việt phải chinh phục người tiêu dùng bằng thương hiệu và chất lượng. 

HOÀNG HÀ