"Đứt đoạn" kết nối

Cập nhật, 05:30, Thứ Năm, 13/06/2019 (GMT+7)

Giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò rất quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tại khu vực Nam Bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng, mật độ sông ngòi thuộc nhóm cao nhất thế giới. 

Tuy nhiên, việc đầu tư phát huy thế mạnh cũng như quản lý giao thông đường thủy nội địa còn nhiều hạn chế, chưa tận dụng được thế mạnh vốn có và khai thác tốt điều kiện kinh tế, tính bền vững của phương thức giao thông vận tải này.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, một tấn hàng hóa từ ĐBSCL vận chuyển về các cảng TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu bằng đường thủy nội địa chi phí khoảng 10 USD. Nếu vận chuyển bằng đường bộ, chi phí “đội lên” khoảng 9 lần so với đường thủy.

Thời gian qua, khoảng 70% lượng hàng hóa ở khu vực ĐBSCL vận chuyển bằng đường bộ về cảng TP Hồ Chí Minh mới xuất khẩu được. Nguyên nhân chính là khu vực ĐBSCL thiếu cảng nước sâu để tàu trọng tải lớn cập bến như TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hải Phòng,...

Mặt khác, tính đồng bộ trong giữa các loại hình đường sông, đường bộ chưa cao.

Điển hình cho câu chuyện này là cảng Mỹ Tho (Tiền Giang), dưới cảng tàu có thể chở được 40-50 tấn, nhưng đường từ đó đến đường cao tốc chỉ chở được 20 tấn.

Hay từ cảng Mỹ Tho cách khu công nghiệp có 30km, nhưng không có đường cho xe container vào thì coi như cảng đó vô tác dụng. Vì vậy, cần thiết phải có những con đường đủ tải trọng nối đến những bến cảng để cho các xe chuyên chở hàng từ cảng lên.

Chỉ một bài toán nhỏ như vậy, đã cho thấy, việc đầu tư phát triển phương thức vận tải đường thủy nội địa không đồng bộ, cân xứng, tạo nguy cơ lãng phí hàng tỷ USD mỗi năm. 

HOÀNG HÀ