"Công dân đặc biệt"

Cập nhật, 05:19, Thứ Sáu, 14/06/2019 (GMT+7)

Tháng hành động vì trẻ em là chiến dịch truyền thông, vận động xã hội lần đầu tiên được phát động vào năm 1994 và đã có những tác động tích cực đối với công tác trẻ em hơn 25 năm qua. Tháng hành động vì trẻ em đã được quy định trong Luật Trẻ em 2016, cho thấy ý nghĩa của sự kiện này.

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng và quan tâm. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Chúng ta cũng đã ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em, liên quan đến trẻ em.

Chính sách pháp luật về trẻ em hiện nay không chỉ quan tâm giải quyết hậu quả, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà còn chú trọng việc chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ tổn hại đến trẻ em, đã và đang thực hiện có hiệu quả.

Nhưng quá trình thực hiện bảo vệ trẻ em trước những tổn hại còn nhiều vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm, đó là bạo lực trẻ em.

Trẻ em vừa bị bạo lực trong gia đình, vừa bị bạo lực trong nhà trường và ngoài xã hội. Tình trạng này đang xảy ra nghiêm trọng, hành vi bạo hành bao gồm cả thể chất và tinh thần, trẻ em bị bạo hành ở tất cả các giai đoạn của tuổi thơ.

Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 68,4% trẻ em từ 1- 14 tuổi từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà, khoảng 20% trẻ em 8 tuổi bị trừng phạt thân thể ở trường học.

Trẻ em không chỉ bị bạo lực mà còn bị xâm hại tình dục. Thống kê cho thấy, từ năm 2011- 2015, có 5.300 vụ xâm hại tình dục được phát hiện và xử lý, năm 2018 có 1.269 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện và xử lý. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Tháng hành động vì trẻ em vẫn là thời gian cao điểm nhắc nhở mọi người quan tâm hơn nữa, đặc biệt đây là dịp để toàn xã hội chung tay với Chính phủ, với các bộ, ngành giải quyết các vấn đề về trẻ em, tăng cường các nguồn lực, cả vật chất tinh thần và bảo vệ an toàn cho “những công dân đặc biệt”.

HOÀNG HÀ