Trao cơ hội thoát nghèo

Cập nhật, 07:46, Thứ Ba, 26/03/2019 (GMT+7)

Những năm qua, công cuộc thoát nghèo của đồng bào dân tộc ít người của nước ta được thực hiện nhờ “bà đỡ” là Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).

Theo số liệu của Ngân hàng CSXH Việt Nam, đến 31/12/2018, có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc ít người đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại ngân hàng này, với tổng dư nợ đạt 46.159 tỷ đồng, chiếm 24,6%/tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH, dư nợ bình quân một hộ dân tộc ít người đạt 31,4 triệu đồng/bình quân chung là 28,2 triệu đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã- phường- thị trấn trên toàn quốc. Đa số hộ dân tộc ít người đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn 2-3 chương trình tín dụng ưu đãi.

Nguồn vốn này đã giúp gần 2 triệu hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 860.000 lao động (trên 20.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 300.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc ít người được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,6 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 233.000 căn nhà ở...

Kết quả đó cho thấy, đây là công cụ kinh tế quan trọng, hữu hiệu, cần tiếp tục được phát huy, nhằm góp phần đạt được các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Sắp tới, Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng CSXH sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách cho đồng bào dân tộc ít người tại Việt Nam.

Một trong những vấn đề dự kiến kiến nghị là đề nghị hình thành một nguồn vốn riêng, được cân đối, bố trí từ Quốc hội để đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với đồng bào dân tộc ít người được ưu tiên nhất, chủ động nhất, với lãi suất cho vay phù hợp.

Đây được cho là một trong những giải pháp đột phá để trao cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc ít người. 

HOÀNG HÀ