"Thừa thầy, thiếu thợ"!

Cập nhật, 07:13, Thứ Sáu, 29/03/2019 (GMT+7)

Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) tương đối cao nhưng so với một số nước trong khu vực thì vẫn ở mức rất thấp. Đây là nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại hội thảo “Cải thiện NSLĐ Việt Nam để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia” vừa diễn ra.

Cụ thể, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, bằng 7,2% của Singapore, bằng 18,4% của Malaysia, bằng 36,2% của Thái Lan, bằng 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Đáng quan ngại hơn, chênh lệch NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy thách thức phải đối mặt để bắt kịp các nước là rất lớn.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, có nhiều nguyên nhân khiến NSLĐ của Việt Nam thấp nhưng, chủ yếu do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu...

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, có một nguyên nhân rất đặc thù Việt Nam đó là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Hiện tại, cứ một người có bằng ĐH thì chỉ có 0,35 người có bằng CĐ, 0,38 người có bằng trung cấp và 1,35 người có bằng sơ cấp, trong khi đó, trên thế giới, người ta đào tạo một người tốt nghiệp ĐH, CĐ thì đào tạo 4- 5 người tốt nghiệp trung cấp và 10 người tốt nghiệp sơ cấp. Chính vì vậy, số lượng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp hàng năm ở Việt Nam rất lớn, hiện có khoảng 215.000 người.

Song song đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 56% lực lượng lao động, nhưng thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo bài bản chỉ đạt 22%, số còn lại đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, đủ kỹ năng để người lao động đứng vào dây chuyền sản xuất giản đơn.

Chưa nói tới chất lượng đào tạo, chỉ cần nói tới gần 80% lực lượng lao động chưa được đào tạo cũng đã giải thích lý do vì sao NSLĐ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực.

HOÀNG HÀ