Hệ lụy rượu bia

Cập nhật, 06:36, Thứ Năm, 20/09/2018 (GMT+7)

Sau nhiều chỉnh sửa, mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Theo ban soạn thảo dự án: Về mức tiêu thụ, nếu quy đổi rượu bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hàng năm theo số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít. Còn theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít.

Cũng theo số liệu từ dự án: Cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp, sản lượng bia năm 2016 là 3,8 tỷ lít, năm 2017 là hơn 4 tỷ lít. Đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã cấp khoảng 167 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 599 giấy phép sản xuất rượu thủ công… Tổng sản lượng sản xuất rượu năm 2016 đạt khoảng 305,2 triệu lít.

Có một so sánh gây bất ngờ: Rượu bia được tiêu thụ ở nước ta “ngốn” hơn 16.300 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này có thể mua được 1,77 triệu tấn gạo, đủ nuôi sống gần 21 triệu người/năm. Bên cạnh, hệ lụy do rượu bia gây ra thì không thể tính.

Nếu so với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tại Việt Nam, rượu bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó 20% do chấn thương, tai nạn giao thông; 50% do xơ gan; 30% do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh. Có khoảng 30 loại bệnh do sử dụng rượu bia.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, rượu bia đều chứa cồn là chất gây nghiện mà Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, nên việc sử dụng rượu bia có nguy cơ gây ra các tác động đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế và cần có cơ chế quản lý khác với các hàng hóa thông thường theo hướng phòng ngừa, hạn chế tác hại.

Thế nhưng, rượu bia luôn là chuyện nhạy cảm. Cần kiểm soát kinh doanh rượu bia đến mức nào, quả là câu hỏi khó với những nhà làm luật!

HOÀNG HÀ