"Cái kim trong bọc"

Cập nhật, 05:49, Thứ Sáu, 20/07/2018 (GMT+7)

Mấy ngày qua, trên trang tìm kiếm Google, đứng hàng đầu là những từ khóa: “Hà Giang”, “nâng điểm thi”, “điểm cao bất thường”, “sửa điểm”… Nhiều sinh viên quê hương Hà Giang đang học ĐH đã chia sẻ sự mặc cảm khi bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ.

Thông tin được phát đi vào lúc 1 giờ đêm 17/7 của Thanh tra Bộ Giáo dục, vụ gian lận thi cử Hà Giang khiến dư luận cả nước đi từ kinh ngạc đến phẫn nộ: 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh lệch hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Đây quả thật là một vụ gây rúng động dư luận. Sẽ rúng động hơn nữa nếu kết quả điều tra xác định có sự gian lận tập thể, có tổ chức. Thông tin từ báo chí hôm qua hé lộ, trong số bài thi của thí sinh được phù phép nâng điểm, có không ít là con cháu của cán bộ lãnh đạo của tỉnh Hà Giang. Và phổ điểm thi “cao bất thường” còn xảy ra ở 2 tỉnh miền núi phía Bắc khác.

Năm nào Bộ GD - ĐT cũng khẳng định về tính chất nghiêm túc, công bằng và thành công tốt đẹp nhưng cuối cùng đã để lại một dấu hỏi lớn về công tác bảo đảm an ninh, an toàn bài thi. Vì thế, câu chuyện ở Hà Giang như cái kim ở trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, một lần nữa nói về thực trạng trong thi cử.

Vụ việc gian lận kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang khiến nhiều người nghĩ về những lùm xùm thi cử - từng gây nhức nhối một thời của giáo dục Việt Nam. Đã bao cuộc cải cách qua đi, tiêu cực giáo dục vẫn tồn tại dai dẳng và ngày càng nhức nhối.

Dư luận mong muốn là ngành chức năng cần xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực trong thi cử vừa được phanh phui, để ít nhất không làm đổ vỡ thêm niềm tin của thế hệ trẻ, của xã hội vào ngành giáo dục nước nhà. 

HOÀNG HÀ