"Tín dụng đen"

Cập nhật, 06:10, Thứ Tư, 30/05/2018 (GMT+7)

Với chiêu cho vay tiền nhanh, gọn, không mất nhiều thời gian làm hồ sơ, đi tới đi lui mấy lượt, nhiều người- nhất là tiểu thương, sinh viên, người lao động nghèo- đã vay nóng bên ngoài để giải quyết “sự vụ”.

Họ chấp nhận lãi suất cao ngất ngưởng 30%, thậm chí là 60% vì nghĩ đơn giản: giải quyết tạm hôm nay, ngày mai tính sau.

Vay 5- 10 triệu trong 2- 3 ngày thì gánh gồng trả lãi cũng được. Thế nhưng, trong 2- 3 ngày không dễ có tiền để trả.

Cho dù có tiền trả thì các “anh chị” cũng không vui lòng, ngon ngọt dụ dỗ người ta “vay đi, có bao nhiêu tiền đâu mà lo”. Tiền sẵn trên tay kia, nhu cầu xài tiền đang có… Vậy là gật đầu, vay nữa.

Điều đáng lo là ai vướng vào đây thì lãi mẹ đẻ lãi con, khó mà trả hết nợ. Cuối cùng, những gì người vay thế chấp bị “hóa giá” với giá trị rẻ bèo.

Điểm qua một vài vụ cho vay nặng lãi để thấy có không ít người là nạn nhân của “tín dụng đen”. Công an TP Sa Đéc (Đồng Tháp) kiểm tra hành chính một nhóm “tín dụng đen” đã thấy có tới 7 cuốn sổ ghi chép việc thu tiền góp, hơn 400 hợp đồng đặt cọc và giấy tờ khác của người vay tiền.

Kiểm tra tại nơi ở của nhóm người này, công an thu giữ thêm 150 hợp đồng, hàng chục sổ sách ghi chép cũng như sổ đỏ, sổ hộ khẩu,…

Ở Vĩnh Long, nhóm “tín dụng đen” bị bắt với hàng trăm hợp đồng thế chấp tài sản cùng sổ đỏ, giấy đăng ký kinh doanh, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe,…

Còn ở TP Cần Thơ, công an xác định có hơn trăm người vay tiền từ các “ngân hàng” di động như thế này.

Chắc chắn tín dụng đen đang vươn vòi bạch tuộc ra nhiều tỉnh- thành và công an đã bóc gỡ nhiều nhóm như thế.

Song, điều lưu ý là người dân phải hiểu rõ “tín dụng đen” là gì và sự khác nhau giữa vay tín chấp và “tín dụng đen” để tránh bị “sập bẫy” bởi sự lôi kéo có bài bản, có chủ đích lừa gạt của những tổ chức phi pháp. 

HOÀNG HÀ