Trang sách chưa phai

Cập nhật, 05:19, Thứ Bảy, 21/04/2018 (GMT+7)

“Hiệu sách nhân dân” nhỏ xíu nằm ngay chợ xã dốc cầu trên QL53 ngày đó thật sự là một kho tàng sách khổng lồ và quý giá xiết bao đối với đám học trò nhỏ chúng tôi. Càng quý hơn- bởi ông chủ hiệu sách vốn là thầy giáo nghỉ hưu- thường đón chúng tôi vào buổi tan học để báo tin “có sách mới về đó”.

Vậy là mấy đứa mê sách kéo nhau vào lục sách mới ngay… trong bao, khi còn chưa xếp lên kệ. Chúng tôi cứ mặc tình lựa chọn, cột mớ sách lên ba ga xe đạp rồi nói “ông ơi, con mua chục quyển này này này…

Ông cho con nợ, chừng nào có tiền con trả nhen ông”. Có khi đọc đến hết mớ sách vẫn chưa có tiền trả, để rồi ông lại đứng đón báo tin vui “có sách mới về đó”.

Có lẽ nói về “nợ”, đây là món nợ lớn nhất của chúng tôi, khi chỉ biết lặng thầm cảm ơn tấm lòng bao dung của người đã góp phần nuôi dưỡng lòng say mê đọc sách cho bao lứa học trò quê.

Giờ đây, sách được in đẹp hơn nhiều. Đề tài đa dạng và phong phú hơn, sách được xuất bản đáp ứng mọi đối tượng bạn đọc. Hiệu sách cũng sang trọng hơn nhiều.

Rồi cùng với Internet, ngay cả phương thức đọc cũng đa dạng hơn, có thể đọc bản sách in hoặc có thể đọc trên mạng, qua các trang web chuyên về sách.

Bên cạnh một nền văn học mạng non trẻ mà mạnh mẽ ra đời, nhiều thư viện cũng đã nhanh nhạy tìm cách đến với người đọc bằng thư viện điện tử, giới thiệu và cho mượn sách điện tử ngay trên mạng, giúp bạn đọc không cần đến thư viện.

Có những người yêu sách vốn thích dọc sách giấy, thích nâng niu quyển sách trên tay nhưng hiện nay cũng đã có rất nhiều người có cả kho sách… trên mạng.

Những người đọc mà “nhà không kệ sách” bởi chỉ đọc qua ebook, qua smatphone, bởi rất rẻ tiền lại luôn có thể lựa chọn sách hay.

Nên giờ đây, cần thấy rằng dù đọc sách bằng bất cứ hình thức nào cũng đáng được trân trọng, không nên cứ mãi buộc phải đọc kiểu “trăm năm cô đơn” với một người một quyển sách trong góc phòng.

Thật ra, từ văn học mạng, cả trong và ngoài nước đều đã hình thành các nhà văn trẻ rất nổi tiếng và cả một lớp người đọc rất sôi nổi, công bằng khen chê đánh giá và góp ý ngay cho tác giả.

Cùng với rất nhiều cách tiếp cận sách, rất nhiều cách để đọc sách, tin rằng trang sách vẫn chưa phai, như nền văn hóa đọc không quá ồn ào, sôi động nhưng cũng không bao giờ bị quên lãng. 

PHƯƠNG NAM