Nâng chất nông sản

Cập nhật, 05:23, Thứ Năm, 26/04/2018 (GMT+7)

Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, hệ thống bán lẻ thực phẩm thời gian qua đã có sự thay đổi lớn. Nếu như năm 2014, cả nước có 921 siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng thực phẩm tiện lợi thì đến nay con số này đã lên tới 3.354.

Đáng chú ý, người tiêu dùng cũng đang chuyển dần sử dụng sản phẩm từ các chợ truyền thống sang hệ thống bán lẻ.

Thống kê của Liên minh Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người dân đi chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm đã giảm tới 35,5% so với cách đây 5 năm.

Hiện, người tiêu dùng cũng đã quan tâm nhiều hơn tới chứng nhận chất lượng nông sản. Trong đó, các chuỗi sản phẩm hữu cơ có sự giám sát chéo (PGS) được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất, tiếp đến là hệ thống quản lý chất lượng VietGAP. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại chưa biết nhiều về tiêu chuẩn và quy trình thực hành sản xuất.

Thông tin từ Diễn đàn Nông nghiệp mùa Xuân 2018 với chủ đề “Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa tổ chức mới đây cho biết: Đến nay, cả nước có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản an toàn nhưng chỉ 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả.

Các chuỗi nông sản hoạt động thấp là do chi phí giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khó khăn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là chưa tìm kiếm được doanh nghiệp đầu tàu đồng hành cùng nông dân. Ngoài ra, nhận thức của người dân về tổ chức sản xuất, xây dựng kế hoạch, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp còn hạn chế.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra 5 giải pháp chính nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi nông nghiệp theo hướng bền vững.

Đó là: hướng đến ngành hàng nông sản có giá trị cao và có tính cạnh tranh; tập trung sản xuất nông nghiệp tạo thêm giá trị gia tăng;

tăng cường yếu tố kích cung bằng cách kiểm soát chất lượng và vệ sinh thực phẩm; chuyển đổi từ thâm dụng tài nguyên sang hướng tăng trưởng nông nghiệp thâm dụng công nghệ; chuyển từ đất đai sản xuất manh mún sang đất đai tập trung và từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp gắn với phát triển doanh nghiệp nông thôn.

Việc phát triển chuỗi giá trị nông sản sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị thông qua đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó, giảm tối đa việc phải “giải cứu nông sản”, tạo thu nhập ổn định cho các hộ sản xuất.

HOÀNG HÀ