Du lịch nông nghiệp

Cập nhật, 05:28, Thứ Ba, 03/04/2018 (GMT+7)

Ngày cuối tháng 3 vừa qua, Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, Việt Nam có đủ lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp thành ngành kinh tế bền vững, song cách làm còn thiếu chuyên nghiệp, cần phải có quy hoạch phù hợp, lâu dài, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới thành công với du lịch nông nghiệp thì tại Việt Nam, một đất nước có trên 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng khai thác du lịch nông nghiệp còn rất nhỏ bé so với tiềm năng.

Ở Hà Nội và một số tỉnh miền Trung đã có vài mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả nhưng khó nhân rộng. Mỗi ngày, làng rau Trà Quế (TP Hội An- Quảng Nam) đều đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nghề trồng rau độc đáo duy trì từ hàng trăm năm qua.

Những du khách nước ngoài đa phần tỏ ra ngạc nhiên thú vị về cách “nông dân đô thị” vun luống trồng rau, bón phân hay gánh nước tưới cho từng luống cải, hành, húng, quế…

Chính họ lại được xắn quần xuống ruộng để thử sức cày cấy, tuốt lúa… Tại Hà Nội, có nhiều mô hình tham quan trang trại hay “tập làm nông dân”. Nhưng những mô hình này có đặc thù riêng, khó phổ biến.

Ở các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ tuy là thủ phủ rau màu và lúa nhưng các sản phẩm phổ biến hiện nay đang phát triển mạnh là du lịch làng nghề truyền thống ở một số địa phương nhưng còn sơ sài chưa bài bản.

Các tour du lịch làng nghề hiện nay nếu có quy hoạch cũng chưa được khai thác triệt để cả nội dung và hình thức, mới chỉ dừng ở tham quan và… tới xem làng.

“Lý do là những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng, chức năng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch vẫn chưa được khai thác một cách thực sự hiệu quả - ông Lưu Duy Dần- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lý giải.

Để khai thác hiệu quả du lịch nông nghiệp, trước tiên cần phải tiến hành công tác quy hoạch sản xuất phù hợp, lâu dài, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Mỗi địa phương có điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng, do vậy trong quá trình thực hiện cần phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển thì mới có thể thành công được.

Đồng thời cũng rất cần phải có vai trò của chính quyền địa phương trong việc tạo cơ chế, có chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi của nông dân. 

HOÀNG HÀ