"Mạnh tay" với thực phẩm bẩn

Cập nhật, 05:53, Thứ Ba, 06/02/2018 (GMT+7)

Gần Tết Nguyên đán, nhiều gia đình bắt đầu mua sắm tết.

Sức mua rất lớn của người tiêu dùng dịp tết bao giờ cũng trở thành cơ hội cho những người sản xuất và kinh doanh… thực phẩm bẩn, hàng hóa kém chất lượng. Nỗi lo thực phẩm bẩn lại trở thành đề tài “nóng” của nhiều người, nhất là các bà nội trợ.

Thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày trên cả nước có hơn 200 người tử vong vì căn bệnh ung thư, khoảng 410 ca ung thư mới được chẩn đoán phát hiện.

Trong đó, ước tính khoảng 1/3 số người mắc ung thư là do chế độ ăn uống dung nạp quá nhiều hóa chất độc hại từ thực phẩm, nước uống.

Dù tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã ở mức báo động nhưng rất ít vụ việc bị xử lý hình sự.

Cả nước chỉ khởi tố một vụ án đối với 1 giám đốc công ty và 2 nhân viên ra tòa về hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu gây ngộ độc làm chết 4 người.

Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc bệnh ung thư và các loại bệnh nan y khác sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng sử dụng tràn lan, bừa bãi hóa chất trong chăn nuôi và trồng trọt cũng như sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống.

Theo quy định, phải có hậu quả xảy ra thì người sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” mới bị xử lý hình sự. Trong khi đó, hậu quả đối với người ăn phải thực phẩm “bẩn” đa phần không bộc lộ ngay mà thường bộc phát sau nhiều năm.

Một bất cập nữa là ai cũng nói thực phẩm “bẩn” nhưng thế nào là “bẩn”, mức độ nào là “bẩn” thì dường như lại chưa được quy định rõ.

Từ thực tế cho thấy, không thể ngăn chặn thực phẩm bẩn chỉ bằng biện pháp hành chính. 

HOÀNG HÀ