Năng lượng sạch

Cập nhật, 08:16, Thứ Tư, 17/01/2018 (GMT+7)

Tại Việt Nam, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu này có hạn, tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo nhưng cho đến nay việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có.

Rào cản chính cho phát triển năng lượng tái tạo là chi phí sản xuất. Nhiều công nghệ mới của năng lượng tái tạo- gồm gió, mặt trời và nhiên liệu sinh học đã và sẽ sớm có tính cạnh tranh kinh tế với các nhiên liệu hóa thạch và có thể đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Các công nghệ có chi phí tương đối cạnh tranh là thủy điện, gió, sinh khối và địa nhiệt. Mặc dù pin mặt trời có chi phí cao nhưng chi phí này giảm đều đặn do tiến bộ trong công nghệ.

Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt tại Công ty Điện lực Vĩnh Long đã minh chứng điều đó. Với 228 tấm pin được lắp đặt trên diện tích 650m2, mỗi tháng hệ thống này sản xuất được hơn 12.000 kWh/điện. Lượng điện này đáp ứng 90% lượng điện tiêu thụ của cả tòa nhà.

Dù tốn chi phí đầu tư ban đầu nhưng Công ty Điện lực Vĩnh Long sẽ tiết kiệm được 20 triệu đồng mỗi tháng. Với thời gian sử dụng lên đến hàng chục năm, lợi ích kinh tế có thể thấy ngay, chưa kể đến các yếu tố tác động tích cực đến môi trường.

Với thành công của mô hình này, Công ty Điện lực Vĩnh Long tiếp tục đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời cho các đơn vị thành viên. Mới đây, Công ty Điện lực Vĩnh Long ký hợp đồng với một công ty của Nhật Bản đầu tư 3 dự án sản xuất điện pin năng lượng mặt trời có công suất 40MW với tổng vốn đầu tư trên 80 triệu USD.

Đây là dự án khởi đầu cho các dự án pin năng lượng mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long và ĐBSCL, sử dụng nguồn năng lượng sạch góp phần bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo “Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững” được tổ chức mới đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, để phát huy được những tiềm năng và lợi thế về năng lượng, chúng ta cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đón đầu để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ năng lượng xanh; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng xanh với giá hợp lý; tăng dần tỷ lệ năng lượng xanh trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia.

HOÀNG HÀ