Làm gì để trở thành "con hổ Châu Á"?

Cập nhật, 05:42, Thứ Năm, 18/01/2018 (GMT+7)

Câu hỏi được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, điểm đến đầu tư hấp dẫn khu vực và thế giới. Cải cách kinh tế được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, cạnh tranh bình đẳng công bằng... củng cố lòng tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp, tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng: Chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn, không được phép cho bộ máy phát triển dừng lại. Việt Nam cần kiên trì thay đổi mô hình mới dựa trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tài nguyên, lao động giá rẻ.

Chúng ta phải coi thành tựu năm 2017 là cơ sở tự tin hơn trong nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế và tăng trưởng bền vững, tạo ra nền móng vững chãi hơn để kinh tế tăng trưởng cao, lâu dài.

Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện các biện pháp để tăng trưởng, phát triển hài hòa 2 mục tiêu trên là: năng lượng xanh và phát triển bền vững; cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh công nghệ hóa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro trong tín dụng thương mại, đầu tư.

GS.TS khoa học Nguyễn Quang Thái- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Biên tập Báo cáo 2035 cho rằng:Để làm được, cần những nỗ lực có ý nghĩa nhằm cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để khuyến khích khu vực tư nhân phát triển. Cần phải dịch chuyển nhanh hơn với sự rõ ràng về các phương thức kinh doanh. Nếu làm được, Việt Nam sẽ trở thành một “con hổ” mới về nền kinh tế.

Cần biến khát vọng của dân tộc thịnh vượng thành hành động cụ thể, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của Châu Á.

Không phải tự dưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến giấc mơ “con hổ Châu Á” trong Diễn đàn Kinh tế năm 2018 vừa qua. Đã đến lúc người Việt Nam phải luôn tự suy nghĩ, như điều Thủ tướng đã nói: “Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy”.

HOÀNG HÀ