Để tăng lương thực chất

Cập nhật, 06:18, Thứ Tư, 03/01/2018 (GMT+7)

Năm 2018 là năm có nhiều tin vui vui về lương: Từ 1/1/2018, áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2,76 triệu/ tháng lên 3,98 triệu/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ).

Từ 1/7/2018, lương cơ bản tăng 90.000 đ/tháng đối với người ăn lương từ ngân sách nhà nước, tức là điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng.

Dù mức tăng không nhiều nhưng đó là tin mừng đối với hàng triệu người sống nhờ vào lương. Cũng có không ít người lo ngại, lương chỉ tăng danh nghĩa trong khi khả năng tư thương vịn vào việc tăng lương để điều chỉnh tăng giá các mặt hàng hóa, dịch vụ- đặc biệt là vào những dịp cao điểm như cuối năm, lễ tết.

Do vậy, việc tăng lương này nếu không đi kèm với kiểm soát lạm phát và bình ổn giá thì tăng cũng như không.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, các đợt tăng lương không liên tục như trước, mức tăng thấp, chỉ khoảng 5- 7%, mà hàng hóa lại dồi dào cộng với sức cầu của nền kinh tế đang yếu nên việc tăng lương hầu như không có tác động đáng kể đến chỉ số giá, chủ yếu là tác động giá dịch vụ công.

Mặt khác, đối tượng thụ hưởng lương căn bản chỉ nằm trong diện hưởng ngân sách nhà nước, công chức, người về hưu nên nhìn chung, tác động không lớn (chỉ khoảng 6 triệu người, trong đó khoảng 400.000 công chức, trên dưới 2 triệu viên chức, còn lại là người về hưu, người có công,...).

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống hiện tượng đầu cơ, làm nhiễu thông tin, gây sức ép tâm lý đối với người tiêu dùng.

Thiết nghĩ, rất cần tăng kiểm soát để “giá không chạy trước lương”; rất cần kiểm soát lạm phát để tăng lương thực chất chứ không như người ăn lương nghĩ là “tăng lương danh nghĩa”. 

HOÀNG HÀ