Cân nhắc tăng thuế VAT

Cập nhật, 05:33, Thứ Ba, 16/01/2018 (GMT+7)

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ.

Theo Báo Người Lao động: Đối với Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), cơ quan soạn thảo đã “lùi một bước” về mức thuế suất, điều chỉnh so với dự thảo đưa ra lấy ý kiến lần đầu tiên vào tháng 8/2017.

Cụ thể, ở dự thảo đầu tiên, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất thuế VAT theo 2 phương án. Phương án 1, tăng từ 10% lên 12% từ ngày 1/1/2019. Phương án 2, tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và lên 14% từ ngày 1/1/2021.

Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình tăng thuế suất thuế VAT như sau: từ ngày 1/1/2019 tăng từ mức thuế suất hiện hành là 10% lên 11%; từ ngày 1/1/2020 tăng từ mức 11% lên 12%”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc tăng thuế VAT cho dù là đưa ra biện pháp tiến độ chậm lại, mỗi năm tăng thêm 1% thì mục tiêu cuối cùng vẫn là trong 2 năm vẫn sẽ tăng 2%.

Mà trong 2 năm thì không thể cải thiện được cuộc sống của người dân. Không nên nhìn vào GDP tăng thêm, chia bình quân đầu người cao hơn so với năm trước một chút mà nghĩ đó là thang thu nhập.

Nên nhớ, GDP của Việt Nam là tính cả phần của đầu tư nước ngoài. Cho nên, tổng thu nhập chia cho bình quân đầu người vẫn không cải thiện được là bao, trong khi dân số vẫn tăng, tỷ lệ dân thu nhập thấp hoặc cận nghèo vẫn rất lớn…

Rõ là lộ trình tăng thuế theo đề nghị mới đây của Bộ Tài chính tuy có giãn thời gian nhưng tác động cuối cùng vẫn là tăng thêm gánh nặng vào túi tiền của người dân, giảm bớt năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính cần cân nhắc việc quyết định tăng thuế.

HOÀNG HÀ