Rẽ trái khỏi lối mòn

Cập nhật, 06:10, Thứ Bảy, 02/12/2017 (GMT+7)

Trong những câu chuyện cà phê cuối tuần, có rất nhiều người trẻ đang nồng nhiệt, háo hức lẫn người cao niên điềm đạm, chín chắn đang tìm cách nào đó để “rẽ trái khỏi lối mòn” trong suy nghĩ và cả việc làm.

Anh bạn tôi không sợ bị chê “khùng” khi đòi nghỉ dạy tại một trường ĐH lớn để làm… lơ xe. Anh nói đấy là niềm mơ ước “dọc ngang” từ thuở thiếu thời và anh chắc chắn khi là “thạc sĩ lơ xe” anh sẽ mang đến cái nghề được cho là quá đỗi bình thường này một cách nhìn khác.

Cũng vậy, người thầy của anh cũng đang muốn “rẽ trái” để về làm nông dân. Bởi thầy “tin chắc rằng với cái đầu tiến sĩ của mình bây giờ, sẽ trồng được một khu vườn Nam Bộ… rất văn chương”, biết đâu vừa có hoa trái thưởng thức vừa thêm cho miền Tây một nét đẹp du lịch vườn.

Đấy là đôi vợ chồng trẻ vui vẻ lẫn lo âu, rời bỏ mức lương hàng chục triệu đồng ổn định để lao vào trồng rau sạch với rất nhiều bấp bênh, gập ghềnh… nhưng phía trước là niềm tin mãnh liệt vào một thị trường rộng mở cùng suy nghĩ “đem cái ngon lành đến cho người tiêu dùng”.

Đó là một người đang làm ở vị trí CEO cả khu vực, bỗng “rẽ trái” lên rừng xuống biển để “ngẫm nghĩ chuyện đời” và viết sách…

Như mới đây, vị tiến sĩ vốn là hiệu phó một trường ĐH nói đã dành 40 năm cặm cụi nghiên cứu việc cải tiến chữ quốc ngữ và sẽ còn tiếp tục nghiên cứu (dẫu ông đã 83 tuổi).

Xin không nói về kết quả thế nào, đúng hay sai; chỉ muốn nói rằng đấy chính là một người đang tìm lối “rẽ trái” trên con đường nghỉ ngơi lẽ ra rất phẳng lặng, nhằm đóng góp cho đời.

Chỉ riêng điều này thôi, đã rất đáng trân trọng. Không phải có những nhà khoa học trước khi đạt giải Nobel đã từng đạt giải Ig nobel đó sao!

Nhà bác học người Đức- Albert Eistein từng nói “những người chưa từng sai lầm là những người chưa bao giờ thử những cái mới”, còn nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) cũng cho rằng:

“Thật ra trên Trái đất này làm gì có đường, người ta đi mãi mà thành đường thôi”- nếu đi hoài trên lối mòn suy nghĩ thì làm sao có những con đường mới, sáng tạo mới.

Con người vốn luôn bảo vệ những gì đã thành “nếp”. Nhưng có lẽ hãy khoan dung và trân trọng cả những gì “trái” với lẽ thường, nếu nó nhằm để tốt hơn cho bản thân và xã hội.

Cũng như, nếu bạn không đồng tình với câu chuyện này, xin đừng “ném đá” tôi nhé! 

PHƯƠNG NAM