Tiềm năng bị bỏ ngỏ

Cập nhật, 05:53, Thứ Năm, 30/11/2017 (GMT+7)

Vài năm nay, kim ngạch xuất khẩu (XK) trái cây ngày càng tăng. Tuy nhiên, do hàm lượng chế biến chưa cao, chủ yếu XK dưới dạng quả tươi hoặc chưa được đóng gói bảo quản… nên giá trị gia tăng mang lại chưa cao.

Nếu như năm 2016 sản lượng XK rau quả Việt Nam đạt giá trị 2,45 tỷ USD, tăng trưởng 31,2% so với cùng kỳ năm 2015, là lần đầu tiên vượt sản lượng XK gạo. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị XK trái cây đạt 2,48 tỷ USD. Với kế hoạch xuất khẩu năm 2017, Việt Nam đang tiến gần tới con số 3 tỷ USD.

Thế nhưng, giá trị XK rau quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% so với thế giới. Đây là con số rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, dù ngành sản xuất quả Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua.

Nguyên nhân chính là Việt Nam chủ yếu XK trái cây dưới dạng trái tươi nên giá trị gia tăng thấp và bị tác động bởi các rào cản kỹ thuật.

Ở Anh, họ không trồng được chanh dây nhưng họ đã nhập khẩu trái chanh dây từ Việt Nam về chế biến. Sau khi chế biến, họ bán sang Việt Nam với giá 5 USD/chai nước chanh dây, trong khi sản phẩm chanh dây tươi của Việt Nam bán chưa tới 1 USD/kg”.

Nhiều loại quả của Việt Nam sau khi được các doanh nghiệp nước ngoài bảo quản, đóng gói, dán tem phiếu, đã được bán ở “trời Tây” với mức giá khó tưởng tượng.

Một du học sinh Việt Nam tu nghiệp tại Nhật Bản kể lần đi siêu thị mua hàng mới đây, thấy có bày bán vải thiều Việt Nam giá 1.980 yên Nhật (12 quả), tương đương khoảng 400.000đ, cộng thêm thuế thì chúng có giá 430.000đ.

Cùng là quả vải thiều, ở Việt Nam được túm thành chùm với trọng lượng vài ba ký, trong đó quả xấu, quả sâu, quả xanh, quả chín lẫn lộn. Còn ở Nhật, vải thiều được đóng vào hộp với mẫu mã sang trọng, chất lượng quả đồng đều.

Từ đó, có thể giải thích được tại sao hoa quả Việt Nam bán với giá rẻ, còn sang Tây, sang Nhật thì giá lại đắt đỏ đến thế.

Trái cây Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng nhưng bị bỏ ngỏ!

HOÀNG HÀ