Cuộc "cách mạng" kiểm soát thực phẩm "bẩn"

Cập nhật, 05:16, Thứ Ba, 28/11/2017 (GMT+7)

Vấn nạn thực phẩm “bẩn” không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh trong nước.

Theo các chuyên gia, cần có một cuộc cách mạng để thay đổi nhận thức và thói quen của người dân trong kinh doanh và sản xuất thực phẩm.

Thực tế, việc quản an toàn thực phẩm được phân chia theo từng công đoạn đã tạo ra nhiều kẽ hở và chồng chéo, gây khó khăn, phiền phức cho công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất một sản phẩm từ chăn nuôi bao gồm nhiều công đoạn, từ sản xuất giống, nuôi con giống thương phẩm, tổ chức giết mổ, chế biến, đến đưa ra thị trường.

Hiện nay, phần lớn các công đoạn này bị cắt khúc, người chăn nuôi chỉ chăn nuôi, con giống do người khác sản xuất, sau đó lại bán con giống thành phẩm cho nhiều thương lái, lò mổ khác nhau, rồi mới đưa ra thị trường.

Chính vì vậy, các bước thực hiện là an toàn nhưng sản phẩm đưa ra thị trường không an toàn.

Bộ Y tế đang đề xuất cắt giảm 36/263 điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ Y tế quản lý, chiếm gần 14%.

Bộ Y tế đang triển khai cơ chế một cửa quốc gia, liên thông Cổng Hải quan một cửa quốc gia.

Hiện đang tiến hành kết nối được 5 thủ tục chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm và trang thiết bị y tế với Cổng Hải quan một cửa quốc gia.

Dự kiến, năm 2018, sẽ hoàn thành và triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với 5 thủ tục hành chính liên quan.

Bởi vậy, thông tin chính thức về đề xuất cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm Bộ Y tế đưa ra được coi là một bước cải cách mạnh mẽ của ngành y tế, mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả trong quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm cao hơn, tránh tình trạng “nhiều bộ quản một mâm cơm”.  

HOÀNG HÀ