Vững trên sân nhà

Cập nhật, 05:46, Thứ Ba, 12/01/2016 (GMT+7)

Chưa bao giờ áp lực hội nhập lớn như bây giờ. Đi đâu cũng thấy bàn, thấy nhắc đến “hội nhập”, từ các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trên các diễn đàn và cả các trang báo, trong những phát ngôn của giới lãnh đạo, quản lý lẫn doanh nhân và giới chuyên gia.

Nếu như trước đây “hội nhập” dường như để chỉ đề cập đến tác động đến doanh nghiệp hay lĩnh vực công nghiệp nhưng nay thì “hội nhập” thực sự tác động đến mọi lĩnh vực. “Hội nhập” đã tác động thực sự đến suy nghĩ cách làm của những người nông dân bên những luống cày, vườn rau, ao cá,… Có những thuận lợi và những thách thức đan xen.

Thật ra ai cũng ý thức được “hội nhập” là xu thế tất yếu. Cách nay đúng 10 năm tại TP Cần Thơ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Nông dân làm gì để hội nhập kinh tế?” Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, nếu không có câu trả lời thỏa đáng, e rằng lực lượng lao động có tỷ lệ cao nhất Việt Nam sẽ phải gánh chịu rất nhiều khó khăn, khi đã bước chân vào WTO. Bởi, chân chất, thật thà, cần cù, chăm chỉ, chịu khó, lam lũ và nghèo khổ… là những gì cơ bản nhất để nói về đặc tính của nông dân Việt Nam.

Nhưng gần đây chuẩn chất nền tảng nông dân Việt Nam bị méo mó bởi thông tin sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, sử dụng thuốc trừ sâu, “phân phì” thúc ép trái cây chín sớm,... Đây sẽ là trở ngại cực lớn cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt khi TPP được thông qua. Bởi ngành nông nghiệp nước ta được cho là yếu thế hơn hẳn so với các nước trong khối. Do vậy, để đón sóng hội nhập, ngành chăn nuôi phải đoàn kết, tạo dựng chuỗi sản xuất, ứng dụng khoa học- công nghệ để tăng năng suất, tạo lập những bước căn bản làm nền tảng giúp ngành nông nghiệp khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Trước cửa hội nhập, phải chiến thắng trên “sân nhà”.

Bất cứ trong lĩnh vực kinh doanh nào mà thiếu chữ “tâm” thì khó có thể trụ vững. Khi muốn vươn ra biển lớn thì phải vững tay chèo trên sân nhà. 

HOÀNG HÀ