Tuổi già hôm nay-Ngày mai chúng ta!

Cập nhật, 07:07, Thứ Sáu, 02/10/2015 (GMT+7)

Truyền thống quý báu từ bao đời của dân tộc Việt Nam luôn “kính già, mến trẻ”. Ông bà ta có câu: “Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho”.

Kính trọng người cao tuổi thật sự là một nét đẹp văn hóa, là đạo lý ngàn đời của người Việt Nam. Nhất là những năm gần đây, đất nước đổi mới, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống nhân dân nói chung và người cao tuổi nói riêng có chất lượng hơn.

Tuy vậy, trong xã hội hiện nay vẫn còn hiện tượng ngược đãi cha mẹ, ông bà vì xem người già là người vô dụng, lẩm cẩm, ăn bám. Không ít trường hợp không có ai chăm sóc, thậm chí còn kiện cáo tranh chấp đất đai,…

Ta thường bắt gặp những hình ảnh nhói lòng như cụ già tóc bạc đi bán vé số; ăn xin đầu đường, xó chợ hay sống cô đơn âm thầm trong trại xã hội… trong khi con cháu đủ đầy.

Câu tục ngữ: “Kính già, già để tuổi cho” là một lời khuyên cho mỗi người chúng ta phải biết kính trọng người cao tuổi. Đó vừa là đạo lý làm người, vừa là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Hãy hiểu và thông cảm với nỗi niềm của người già để có những đối xử vẹn tình, trọn nghĩa, đúng đạo làm người.

Triết thuyết Việt Nam do đặc điểm lịch sử ẩn tàng trong ca dao, tục ngữ; truyền thống “kính già, già để tuổi cho” cũng nằm trong hình thức đó! Thực tế ở Việt Nam cho thấy không ai chăm sóc cha mẹ già bằng chính con cháu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Dân gian còn đó chuyện cổ tích “Cái gáo dừa”. Tổ tiên vừa dạy vừa cảnh báo hậu sinh bằng chuyện kể sinh động.

Hãy luôn ghi nhớ: Tuổi già hôm nay chính là ngày mai của mỗi chúng ta. Đây là một quy luật tất yếu của cuộc sống. 

HOÀNG HÀ