Nhìn từ mùa du lịch vàng

Cập nhật, 07:02, Thứ Ba, 06/01/2015 (GMT+7)

Từ những ngày đầu năm mới 2015, du lịch Việt Nam đã “gặt vàng” với lượng khách du lịch tăng cao ở cả thị trường khách quốc tế lẫn khách nội địa. Các hãng lữ hành đã khởi động một mùa kinh doanh đầu năm mới 2015 đầy ấn tượng, mở ra triển vọng đầy hứa hẹn cho cả năm 2015.

Trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, hầu hết các tỉnh- thành đều đón đông đảo khách du lịch, tham quan. Như TP Cần Thơ đón khoảng 35.600 lượt khách du lịch, Thừa Thiên - Huế đón gần 65.000 lượt khách du lịch, Đà Nẵng đón gần 63.000 lượt khách,…

Ngành “công nghiệp không khói” này đang nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng nằm trong quỹ đạo đó.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) thống kê, năm 2011 ngành du lịch và lữ hành toàn cầu đã đóng góp tới 6.300 tỷ đô la GDP, tạo ra 255 triệu việc làm, 743 tỷ đô la đầu tư, 1.200 tỷ đô la xuất khẩu, đại diện 9% GDP, 1/12 tổng số việc làm, 5% tổng đầu tư và 5% tổng xuất khẩu toàn cầu. Còn theo Ủy ban Lữ hành và Du lịch thế giới, năm 2013, ngành du lịch mang lại cho Việt Nam gần 4 triệu việc làm, trong đó 1,8 triệu việc làm trực tiếp. Dự báo trong 10 năm tới, hàng năm, ngành du lịch cần tuyển mới 113.400 người.

Có thể thấy, từ du lịch, kinh tế phát triển, thị trường lao động khởi sắc. Tính chất sinh lợi của hoạt động du lịch đã thể hiện rõ. Thêm nữa, đó là sinh lợi mà không bị hệ lụy do ô nhiễm môi trường từ chất thải công nghiệp. Thế nhưng, dường như chúng ta đã không chú ý đến việc cần phải đối xử, đầu tư cho hoạt động du lịch như đối xử và đầu tư cho công nghiệp, nên đã có tình trạng khai thác không bù đắp đối với các tài nguyên du lịch sẵn có hoặc không đầu tư để tạo ra những yếu tố tài nguyên mới.

Thành ngữ mới có câu “ăn truyền thống, sống tiềm năng” để phê phán hiện tượng này. 

vAN ĐIỀN