Chiến thắng 30/4 mãi mãi là trang sử hào hùng của dân tộc

Cập nhật, 05:56, Thứ Bảy, 27/04/2024 (GMT+7)
Ban Chỉ huy Tiền phương bàn phương án tiến công vào trung tâm tỉnh Vĩnh Long tháng 4/1975.Ảnh: Tư liệu
Ban Chỉ huy Tiền phương bàn phương án tiến công vào trung tâm tỉnh Vĩnh Long tháng 4/1975.Ảnh: Tư liệu
Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long càng quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân toàn diện vào điều kiện thực tế ở một tỉnh đồng bằng sông nước. Đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp, đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang song song, kết hợp 3 mũi giáp công, vận dụng thích hợp đánh địch khắp cả 3 vùng, thực hiện toàn dân đánh giặc.
 
Nhiệm vụ rất cơ bản xuyên suốt và có tính chất quyết định là: Đánh bại bình định của địch, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường có lợi cho ta, tạo thời cơ để quân và dân Vĩnh Long tiến lên. Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt dứt điểm cuối cùng.
 
Nổi bật nhất là đánh phá bình định của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long vượt qua khó khăn, ác liệt nhất, dũng mãnh xông lên dùng lực lượng vũ trang tập trung kết hợp đẩy mạnh 3 mũi giáp công ở xã, ấp, liên tục tấn công, liên tục nổi dậy, đưa lên thành cao trào đánh phá bình định. Mở mảng bứt tuyến, bứt diệt đồn bót.
 
Năm 1974 và 3 tháng đầu năm 1975, Vĩnh Long tiêu diệt, bứt hàng, bứt rút 640 đồn lớn, nhỏ, giải phóng vùng nông thôn rộng lớn thành thế liên hoàn xã liền xã, huyện liền huyện, mở toang vùng ven, bứt các tuyến vành đai phòng thủ thị xã từ xa áp sát giao thông chiến lược.
 
Đánh bại bình định với hệ thống đồn bót dày đặc, làm phá sản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ- là chiến lược cuối cùng của 4 chiến lược chiến tranh bị đánh bại ở một tỉnh đồng bằng sông nước; tạo thế, tạo lực, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân Vĩnh Long xông lên dứt điểm cuối cùng, giải phóng TX Vĩnh Long. Đến ngày 29/4/1975, Tiểu khu Vĩnh Long của Việt Nam Cộng hòa gần như bị lột trọc, Tỉnh trưởng Vĩnh Long như ngồi trên đống lửa.
 
Vĩnh Long được lệnh tấn công và nổi dậy giải phóng TX Vĩnh Long vào đêm 30/4/1975, quân và dân Vĩnh Long với tư thế sẵn sàng. Chiều 29/4/1975, lực lượng vũ trang tập trung tập hợp về đến các địa điểm đã ấn định ở vùng ven tạo thế bao vây Tiểu khu Vĩnh Long, với tinh thần dũng mãnh xông lên cho trận quyết chiến điểm chiến lược cuối cùng.
Nhưng tình thế diễn ra quá nhanh, trưa 30/4/1975, Đại tướng Dương Văn Minh- Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, tuyên bố đầu hàng cách mạng.
 
Ban Chỉ huy Tiền phương Vĩnh Long liền thông báo tình hình cho các huyện đội và các lực lượng vũ trang tập trung, đồng thời chỉ thị hai vấn đề: Một là các đơn vị vũ trang tập trung và các huyện đội kêu gọi đối phương quy hàng cách mạng. Hai là với tư thế sẵn sàng hành động theo phương án ấn định, nếu kẻ địch chưa hạ vũ khí.
 
Đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung)- Tư lệnh Tiền phương, liền lên máy bộ đàm kêu gọi Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng, Tiểu khu trưởng Vĩnh Long, quy hàng cách mạng. Đại tá Thành còn chần chừ nói còn chờ lính Vùng 4 chiến thuật.
 
Đồng chí Ba Trung nói thêm, nếu Đại tá Thành chưa chịu quy hàng cách mạng, trong đêm nay quân giải phóng sẽ tiêu diệt Tiểu khu Vĩnh Long. Quân giải phóng đã đứng quanh thị xã với tư thế sẵn sàng hành động. Chiến tranh đến hồi kết thúc mà cảnh đổ máu còn diễn ra là điều đáng tiếc.
 
Nhưng việc gì tới rồi sẽ tới. Vào lúc 15 giờ ngày 30/4/1975, Trung đoàn 16, Sư đoàn 9 cùng với Chi đoàn Thiết vận xa (xe M113) đi giải tỏa cho Vùng 4 chiến thuật ở ven sông Hậu, huyện Bình Minh kéo lên QL4 về TX Vĩnh Long. Nhưng về thị xã không phải để cứu nguy cho tiểu khu hay để tự thủ. Khi về tới gần thị xã, bỏ xe bỏ pháo ngổn ngang, súng cá nhân chất thành từng đống như đống củi, từ cầu Đôi kéo dài đến tiểu khu. Binh lính trở về sum họp gia đình trong ngày vui đại thắng của dân tộc.
 
Khi chính sách khoan hồng của Đảng thấm sâu vào hàng ngũ địch, có thời cơ binh lính tan rã hàng loạt, dù bọn bên trên có ngoan cố đến đâu cũng phải xuôi tay.
 
Trung đoàn 16 là chỗ dựa, là cánh tay đắc lực, là quả đấm thép, là niềm tin của tiểu khu, Trung đoàn 16 bị xóa sổ, Tiểu khu Vĩnh Long như mất tất cả.
 
Tình thế không phải dừng lại ở đó. Vào lúc 16 giờ ngày 30/4/1975, Chi khu Tam Bình quy hàng cách mạng, tiếp theo là Chi khu Trà Ôn và Chi khu Vũng Liêm. Các huyện nói trên đi vào tiếp quản chi khu. Tiểu khu Vĩnh Long có 7 chi khu, trong đó có 3 chi khu mạnh nhất, chiếm nửa thân mình của tiểu khu đã về tay ta (có 6 khẩu pháo 105 ly).
 
Tối 30/4/1975, một trung úy là cơ sở nội tuyến của ta hướng dẫn một bộ phận của Tiểu đoàn 837 đột nhập sâu vào trung tâm sân bay, khống chế Đại tá Thăng- chỉ huy khu vực sân bay, hãy ra lệnh cho binh lính quy hàng quân giải phóng. 4.000 tên lính buông súng. Tiểu đoàn 837 làm chủ khu vực sân bay.
 
Thảm bại dồn dập liên tục, đẩy Tiểu khu Vĩnh Long vào con đường hầm không lối thoát. Nhưng đến gần hết ngày 30/4, Đại tá Thành mới quy hàng cách mạng.
 
Vì Đại tá Thành còn tia hy vọng, lời trấn an của cố vấn Mỹ. Sau khi TX Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) được giải phóng, ta chọc thủng vành đai thép phòng thủ Sài Gòn. Cố vấn Mỹ trấn an ngụy Sài Gòn: “Nếu Sài Gòn thất thủ, quân ngụy cố thủ miền Tây Nam Bộ, trọng điểm là TX Vĩnh Long và TX Cần Thơ. Mỹ dựa vào sông Tiền và sông Hậu đến chi viện, giữ được một vùng có tính chiến lược, đông người nhiều của, tạo thế thương lượng với “Việt cộng” thành lập chính phủ 3 thành phần như Hiệp định Pari đã nêu.
 
Đó là lời đường mật của chiến tranh tâm lý Mỹ, chớ sao có được. Không có việc tự thủ miền Tây, mà chỉ có tướng Nguyễn Khoa Nam- Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, tự sát. Còn việc thủy quân lục chiến Mỹ, như Thủ tướng Phạm Văn đồng đã khẳng định: “Cả Hải- Lục- Không quân Mỹ, với những đơn vị sừng sỏ nhất, đánh còn thua ta rút quân về nước. Chỉ có thủy quân lục chiến Mỹ đơn độc dù có rang cám nhử chúng cũng không dám trở lại chiến trường xưa”.
 
Quân khu 9 và các tỉnh miền Tây nói lên quyết tâm cao nhất: Sài Gòn thất thủ Quân khu 9 và các tỉnh quyết không để cho ngụy ở Vùng 4 chiến thuật tồn tại thêm 1 ngày. Tia hy vọng của Đại tá Thành trở thành tuyệt vọng, phải xuôi tay.
 
Đánh bại bình định cô lập tiểu khu, áp lực mạnh của lực lượng vũ trang tập trung. Sức ép dồn dập liên tục của mũi binh vận là 3 nhân tố quan trọng kết cấu, siết chặt vòng vây Tiểu khu Vĩnh Long, buộc Đại tá Thành ra lệnh buông súng, quy hàng cách mạng vào 20 giờ ngày 30/4/1975, là thời điểm giải phóng TX Vĩnh Long, ta tiếp quản trọn vẹn thị xã.
 
Kết thúc 21 năm kiên cường chống Mỹ cứu nước, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 30/4/1975 toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt gót giày xâm lược của đế quốc cả 100 năm trên đất nước ta.
 
Ra sức phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long, cả tuổi trẻ Vĩnh Long, càng chung sức chung lòng xây dựng đất nước phồn vinh, quê hương Vĩnh Long giàu đẹp, đô thị văn minh hiện đại, nông thôn mẫu mực, Nhân dân Vĩnh Long có cuộc sống văn minh và hạnh phúc. Đồng thời để thực hiện hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đến ngày thắng lợi Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
 
Cùng với quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chẳng những ở đất liền và biên giới, cả vùng trời hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
NGUYỄN KÝ ỨC
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long)