Thí điểm vận tải hành khách đón "bình thường mới"

Cập nhật, 06:07, Thứ Năm, 21/10/2021 (GMT+7)

 

Các nhà xe ráo riết thực hiện các quy định để phục vụ vận tải hành khách nội địa và thí điểm liên tỉnh.
Các nhà xe ráo riết thực hiện các quy định để phục vụ vận tải hành khách nội địa và thí điểm liên tỉnh.

(VLO) Sở GT- VT Vĩnh Long đã có hướng dẫn về việc thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, bằng ô tô và vận tải hành khách nội địa. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) vận tải, hợp tác xã (HTX), xe hợp đồng cá nhân “thử nghiệm vận hành an toàn” theo tình hình mới…

Thí điểm hoạt động

Quy định tạm thời áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng ô tô có bến đi (hoặc bến đến) thuộc địa phương/ khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi, đến tỉnh Vĩnh Long. Riêng đối với các địa phương/ khu vực nguy cơ và bình thường mới thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Đối với hành khách đi từ địa phương/ khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao trong thời gian thực hiện thí điểm phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên ô tô; tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế theo quy định.

Đối với hành khách đi từ địa phương/ khu vực có nguy cơ và bình thường mới cần tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế đúng quy định Bộ Y tế; có kết quả xét nghiệm SARS- CoV- 2 bằng phương pháp RT- PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên ô tô…

Đối với lái xe, nhân viên phục vụ phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên ô tô…

Sở GT- VT cũng yêu cầu tất cả hành khách phải quét mã QR để khai báo y tế bằng điện thoại thông minh. Trường hợp hành khách không sử dụng điện thoại thông minh thì “nhà xe” phải cử người thực hiện khai báo y tế hộ.

Đồng thời, vận tải hành khách nội địa bằng đường bộ, đường thủy được hoạt động với 100% công suất và tần suất nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm quy định 5K, trang bị đầy đủ thiết bị đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn và các biện pháp phòng chống dịch.

Phương tiện cá nhân được lưu thông trong địa bàn tỉnh (trừ các địa phương còn áp dụng cấp 4). Trường hợp đi ra ngoài tỉnh hoặc từ tỉnh khác vào thì thực hiện theo hướng dẫn nơi mà người dân sẽ đi đến.

Thử nghiệm vận hành an toàn

DNTN Phú Vĩnh Long chạy thí điểm vận tải tuyến cố định liên tỉnh.
DNTN Phú Vĩnh Long chạy thí điểm vận tải tuyến cố định liên tỉnh.

Ngay khi có hướng dẫn của Sở GT- VT, DNTN Phú Vĩnh Long đã lên phương án hoạt động thí điểm vận tải hành khách theo tuyến cố định. Theo đó, tuyến khai thác là Vĩnh Long đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại (Bến xe Vĩnh Long- Bến xe Miền Tây).

Phương án của DN này là có 2 xe, 4 tài xế luân phiên và vận hành 1 chuyến/ngày. Cả 4 tài xế đều đã được tiêm đủ liều vắc xin. DN cũng lên phương án chi tiết, cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn về phòng chống dịch.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải- Phó Giám đốc DNTN Phú Vĩnh Long, DN đã chạy chuyến thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh đầu tiên vào ngày 20/10. Đối với hành khách liên hệ đặt vé và có nhu cầu di chuyển, DN bám sát quy định và hướng dẫn rõ ràng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, hiện nay cái khó là theo quy định của ngành y tế Vĩnh Long, sau khi đưa hành khách về tỉnh từ vùng nguy cơ cao, nguy cơ rất cao thì “sẽ được làm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR có kết quả âm tính, thì được về cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương”.

Trong khi Sở GT-VT chỉ quy định có kết quả âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên ô tô.

“Vậy có phải là khi hành khách trở về tỉnh từ các vùng này cần phải làm xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR ngay khi bước xuống xe? Kết quả xét nghiệm trước khi lên ô tô còn có hiệu lực hay không? Đây là thắc mắc của DN và cần có sự thống nhất giữa các đơn vị để DN dễ thực hiện”- ông Hải chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm- Trưởng Phòng Hành chính DNTN Phú Vĩnh Long, DN đã có phương án và thí điểm vận tải hành khách trong giai đoạn này vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Cơ hội ở đây chính là dịp để đơn vị “thử nghiệm vận hành an toàn” trong tình hình mới.

“Nếu thí điểm chặt chẽ, thực hiện tốt và đi vào ổn định thì DN đề xuất được tăng chuyến nhằm phục vụ nhu cầu vận tải của hành khách, cũng như đảm bảo yếu tố giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội”- ông Lâm cho biết.

Trong khi đó, đối với vận tải hành khách nội địa, cũng có những quy định chặt chẽ, cụ thể nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Tuy nhiên, theo nhiều DN thì vẫn có một số bất cập như: hợp đồng vận tải hành khách nội địa hiện nay hầu như không có nhu cầu vì đa số khách “đòi” hợp đồng ra ngoài tỉnh.

Hoạt động taxi cũng vậy, nhu cầu còn rất ít, nếu khách di chuyển ra ngoài tỉnh thì cũng cần đảm bảo đúng quy định. Mà quy định liên tỉnh như hiện nay thì vẫn còn rất ít đơn vị, chủ xe hay thậm chí là tài xế đáp ứng được.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY