Giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Cần tính toán để có mức hưởng phù hợp

09:05, 01/05/2021

Chuyên gia cho rằng, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH sẽ tạo điều kiện cho những người có thời gian đóng ngắn hơn có thể được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc, tính toán để có mức hưởng phù hợp.

Chuyên gia cho rằng, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH sẽ tạo điều kiện cho những người có thời gian đóng ngắn hơn có thể được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc, tính toán để có mức hưởng phù hợp.

Bộ LĐ-TB-XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, trong đó quy định giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm và hướng tới còn 10 năm.

PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, ĐH Kinh tế Quốc dân, đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này.

PV: Thưa ông, mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã có đề xuất về giảm thời gian đóng BHXH để nhận mức lương hưu tối thiểu nhằm tăng diện bao phủ của BHXH. Ông có nhận định gì về đề xuất này?

PGS.TS Giang Thanh Long: Một trong những cơ sở cốt lõi cho đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH là Nghị quyết 28/2018 với mục tiêu đến năm 2025 sẽ phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, ĐH Kinh tế Quốc dân.
PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, ĐH Kinh tế Quốc dân.

Thực tế cho thấy vẫn có một số lượng lớn người lao động thuộc khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH và vướng mắc nhất của họ chính là BHXH tự nguyện hiện nay mới chỉ có hai chế độ hưởng (gồm hưu trí và tử tuất), trong khi để hưởng lương hưu thì người lao động phải tham gia BHXH ít nhất 20 năm trở lên.

Do thu nhập không cao, bấp bênh cùng với nhiều khoản chi khác nhau cho gia đình như việc học hành của con cái, chăm lo sức khỏe… nên rất nhiều lao động thuộc nhóm này còn băn khoăn trong việc tham gia với thời gian đóng dài.

Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH một mặt là để thu hút hơn nữa lao động tham gia BHXH, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, mặt khác, sự linh hoạt trong thời gian đóng có thể giúp cho những người tham gia muộn có thể có cơ hội lựa chọn.

Cá nhân tôi cho rằng việc linh hoạt thời gian đóng, đặc biệt cho những lao động có các đặc thù công việc rất khác nhau, là tạo điều kiện để mọi người lao động có quyền lựa chọn việc tham gia như thế nào cho hợp lý nhất với hoàn cảnh của mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này cũng cần phải lưu tâm tới tác động trên thị trường lao động bởi nếu người lao động có sức khỏe, công việc tốt thì việc tham gia thời gian quá ít có thể gây ra lãng phí nguồn lao động và như thế nó đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt trong cả việc người lao động nếu muốn tiếp tục tham gia thì phải có cơ chế, chính sách tính toán lương hưu phù hợp.

Có thể xem cách thiết kế hệ thống hưu trí của Nhật Bản – đó là hệ thống tuổi về hưu quy định là 65 nhưng người lao động có thể linh hoạt lựa chọn tuổi để về hưu (tất nhiên là có khống chế độ tuổi với một số ngành, nghề nhất định) và họ sẽ hưởng mức lương hưu cao hơn khi thời gian đóng góp dài hơn.

Đây cũng là giải pháp mà chính phủ Nhật Bản khuyến khích lao động cao tuổi tiếp tục làm việc trong bối cảnh một quốc gia đã bước vào ngưỡng “siêu già” và lực lượng lao động trong nước bị giảm đi.

Việc linh hoạt thời gian đóng BHXH sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lao động. (Ảnh minh họa)
Việc linh hoạt thời gian đóng BHXH sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lao động. (Ảnh minh họa)

PV: Như vậy theo PGS.TS, khi điều chỉnh thời gian đóng BHXH, cần tính toán rất kỹ về mức hưởng?

PGS.TS Giang Thanh Long: Đúng như thế. Việc điều chỉnh thời gian đóng là tạo ra sự linh hoạt cho người lao động để họ có thể lựa chọn thời gian mà mình có thể hưởng hưu.

Tuy nhiên, người lao động cũng cần phải lưu ý một điều rất quan trọng là khi điều chỉnh thời gian đóng BHXH thì mức hưởng hưu của họ cũng sẽ thay đổi bởi thời gian tích lũy là khác nhau nên tỷ lệ hưởng sẽ khác nhau – cụ thể là thời gian đóng càng ít thì tỷ lệ hưởng càng thấp và ngược lại.

Do đó, với các thông tin về quá trình đóng (số năm đóng), người lao động có thể tính toán được tỷ lệ hưởng là bao nhiêu và cùng với quá trình đóng (mức đóng hàng năm) thì họ cũng có thể biết mức hưởng là bao nhiêu khi mình nghỉ hưu ở một năm nào đó.

Nói cách khác, mức lương hưu phụ thuộc vào thời gian đóng và mức đóng hàng năm nên người lao động phải xem xét một cách kỹ lưỡng thì mới có thể có mức hưởng phù hợp. Mức đóng cao nhưng thời gian đóng quá ngắn thì mức hưởng chưa chắc đã cao.

PV: Thưa ông, mục tiêu của đề xuất này nhằm tăng diện bao phủ của BHXH, vậy ngoài việc điều chỉnh số năm tham gia BHXH để nhận mức lương hưu tối thiểu, còn cần những chính sách ra sao để đạt được mục tiêu tăng diện bao phủ?

PGS.TS Giang Thanh Long: Linh hoạt thời gian đóng BHXH chỉ là một trong nhiều yếu tố tạo điều kiện và khuyến khích người lao động tham gia BHXH, đạt mục tiêu tăng diện bao phủ của BHXH. Để người lao động trong khu vực phi chính thức quyết định tham gia BHXH hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Nhiều lao động đủ điều kiện tham gia, nhưng lại không có thông tin đầy đủ hoặc thấy các thủ tục rườm rà nên có thể không muốn tham gia.

Bên cạnh đó, đặc thù của người lao động phi chính thức là liên tục thay đổi công việc, di chuyển nhiều nên cần có những cách tiếp cận thích hợp để họ có thể tiếp cận, tìm hiểu và quyết định tham gia.

Một số nghiên cứu khảo sát gần đây cho thấy, người lao động có thu nhập không cao cũng lo ngại về mức thu nhập còn lại sau khi đóng bảo hiểm có thể khiến cho chi tiêu hàng ngày, chăm sóc sức khỏe, nuôi con cái ăn học... bị hạn chế.

Họ phải “đấu tranh” giữa việc chi tiêu bây giờ với chi tiêu trong tương lai (từ tiết kiệm hoặc lương hưu) và trong bối cảnh thu nhập hạn chế thì thường người lao động sẽ chú trọng việc chi tiêu bây giờ hơn.

Đây cũng là lý do một số quốc gia đã thực hiện việc hỗ trợ người lao động tham gia BHXH theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào khả năng ngân sách của Chính phủ.

Ví dụ, Thái Lan hay Trung Quốc áp dụng hệ thống đồng đóng góp (MDC – matching defined contribution), trong đó người lao động đóng một phần và chính phủ hỗ trợ một phần và mức đóng cũng như mức hỗ trợ linh hoạt.

Cùng lúc đó, một số quốc gia Mỹ Latinh cân nhắc việc hỗ trợ trực tiếp cho con của những người lao động chưa tham gia BHXH, đó là người lao động đóng toàn bộ mức đóng theo yêu cầu, trong khi chính phủ hỗ trợ gián tiếp việc đóng đó bằng cách giảm học phí cho con của họ.

Làm như vậy vừa chia sẻ gánh nặng học phí trong khi người lao động vẫn đóng góp và có tài khoản riêng của mình trong hệ thống BHXH. Theo đánh giá của một số nghiên cứu, tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội mà việc áp dụng các chính sách này một cách linh hoạt và thường thì cách hỗ trợ sau có tác động đa chiều hơn cách hỗ trợ trước.

PV: Trong chính sách tham gia BHXH tại Việt Nam hiện nay, tính chia sẻ được thể hiện ra sao, thưa ông?

PGS.TS Giang Thanh Long: Thiết kế hiện nay của hệ thống hưu trí Việt Nam thể hiện quan hệ đóng – hưởng khá rõ ràng nhưng không phải theo dạng tài khoản cá nhân (tức là không giống như tài khoản cá nhân trong ngân hàng – gửi bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu theo lãi suất và người gửi tự chịu rủi ro).

Hệ thống hưu trí Việt Nam được thiết kế theo cơ chế tài chính PAYG (pay-as-you-go), tạm dịch là thực thanh thực chi, nghĩa là người đang tham gia hiện nay sẽ đóng tiền và quỹ BHXH sẽ sử dụng số tiền đó để chi trả cho những người đã về hưu và sau này người đóng góp (người lao động tham gia) hiện nay về hưu thì lương hưu của họ sẽ được trả từ nguồn đóng của những lao động trong tương lai.

Mức hưởng được điều chỉnh dựa trên mức đóng và thời gian đóng như đã nêu trên. Do đó, thiết kế này thể hiện tính chia sẻ trong hệ thống BHXH ở Việt Nam.

Tất nhiên, mức độ chia sẻ như thế nào còn tùy thuộc vào cấu trúc của hệ thống ở mỗi giai đoạn (tức là tùy vào số người đóng, số người hưởng, mức đóng, mức hưởng, đầu tư quỹ…).

Tuy nhiên, cũng phải lưu tâm tới kinh nghiệm của các nước đang đối mặt với dân số già nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc khi vận hành hệ thống này, đó là mức độ chia sẻ quá lớn lại trở thành gánh nặng với thế hệ tương lai tham gia BHXH do số lượng người hưởng ngày càng nhiều, thời gian hưởng dài hơn, trong khi lực lượng lao động (đóng góp) lại giảm xuống.

Cách đây 30 năm, cứ 6 người đóng mới có 1 người hưởng nhưng theo tính toán thì hệ thống hưu trí của hai nước này đang tiệm cận tỷ lệ cứ 2 người đóng thì có 1 người hưởng.

Với kinh nghiệm như thế, Việt Nam cần phải tính toán và thiết kế hệ thống cho phù hợp và thích ứng với dân số già nhanh trong một vài thập kỷ tới.

Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng và có tích hợp với hệ thống giúp xã hội như chủ trương của Nghị quyết 28/2018 là hết sức hợp lý và cần được triển khai hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh