Sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên an tâm học nâng chuẩn

Cập nhật, 14:03, Thứ Sáu, 23/10/2020 (GMT+7)

Luật Giáo dục năm 2019 vừa có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 với nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có việc nâng trình độ chuẩn giáo viên (GV) các cấp học từ mầm non đến THCS. Liên quan vấn đề này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 71) quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV. Để thông tin cụ thể hơn về quy định trên, phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long (ảnh).

* Xin bà cho biết những đối tượng thuộc diện phải nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định hiện hành?

- Theo quy định tại Nghị định số 71, đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo gồm:

- GV mầm non chưa có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

- GV tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với GV có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với GV có trình độ CĐ đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

- GV THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

* Theo quy định trên thì Vĩnh Long còn khoảng bao nhiêu GV chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo? Lộ trình thực hiện việc nâng chuẩn trình độ đối với số GV này ra sao, thưa bà?

- Qua rà soát theo quy định hiện hành, Vĩnh Long còn khoảng 1.339 GV chưa đạt chuẩn đào tạo. Cụ thể: cấp mầm non có 353 GV, cấp tiểu học là 694 GV và 292 GV cấp THCS.

Chúng tôi đang chỉ đạo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các quy định tại Nghị định số 71 để phân tích cụ thể từng trường hợp. Trên cơ sở đó, xác định lộ trình bồi dưỡng với từng đối tượng, đảm bảo phù hợp với thực trạng đội ngũ GV và điều kiện của từng cơ sở giáo dục, từng địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu GV giảng dạy.

Đối với GV không thuộc đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo Nghị định số 71, chúng tôi chỉ đạo đối chiếu các quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ GD-ĐT quy định việc sử dụng GV, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo để có hướng sắp xếp cụ thể đối với từng trường hợp, đảm bảo chế độ chính sách và ổn định tư tưởng đội ngũ.

Về lộ trình thực hiện, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ cử 100% GV chưa đạt chuẩn tham gia bồi dưỡng để nâng trình độ đào tạo.

* Khi tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn, GV có những quyền lợi và trách nhiệm gì, thưa bà?

- Theo quy định tại Nghị định số 71, khi tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn, GV có các quyền sau:

- Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian, được hỗ trợ tiền đóng học phí (áp dụng theo quy định hiện hành đối với sinh viên sư phạm).

- Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục.

- Được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định.

Về trách nhiệm, Nghị định số 71 cũng quy định rõ GV được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn phải:

- Thực hiện các quy định về đào tạo, quy chế và quy định về thời gian đào tạo và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia các hoạt động đào tạo.

- Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.

- Trong suốt thời gian khóa học, GV vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ công tác theo quy định khi không phải tham gia các hoạt động đào tạo.

- Trường hợp GV không hoàn thành chương trình đào tạo theo thời gian quy định dẫn đến phải kéo dài thời gian đào tạo thì phải tự túc các khoản chi phí đào tạo phát sinh trong thời gian đào tạo kéo dài.

* Để GV an tâm học nâng chuẩn trình độ lẫn đảm bảo tốt công tác chuyên môn, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long sẽ tạo những điều kiện gì, thưa bà?

- Để GV an tâm học nâng chuẩn trình độ lẫn đảm bảo tốt công tác chuyên môn, ngành giáo dục tỉnh nhà sẽ chỉ đạo thực hiện tốt công tác truyền thông để GV toàn ngành quán triệt tốt Luật Giáo dục 2019 và các quy định liên quan. Từ đó, nâng cao nhận thức trong học tập nâng trình độ chuẩn, thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị và trong việc học tập.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các đơn vị đào tạo sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho GV khi tham gia bồi dưỡng để vừa đảm bảo việc học tập lẫn nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, chỉ đạo hiệu trưởng từng cơ sở giáo dục có GV tham gia bồi dưỡng xây dựng kế hoạch của đơn vị. Trong đó, có phương án cho việc sắp xếp, bố trí GV để đảm bảo hoạt động chung, việc thực hiện chế độ chính sách và trách nhiệm cụ thể của GV khi tham gia bồi dưỡng.

Sở cũng sẽ chỉ đạo bộ phận phụ trách công tác đào tạo bồi dưỡng theo dõi tình hình và báo cáo định kỳ để nắm bắt thông tin kịp thời nhằm đảm bảo cho việc bồi dưỡng đúng lộ trình, GV an tâm học tập, đảm bảo hoạt động của đơn vị, của ngành.

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

TẤN PHONG (thực hiện)