Đô thị tác động như thế nào đến đời sống?

Cập nhật, 14:42, Thứ Tư, 12/08/2020 (GMT+7)

 

TP Vĩnh Long trang bị các “mắt thần” camera để góp phần đảm bảo bình yên các ngõ hẻm, khu phố.
TP Vĩnh Long trang bị các “mắt thần” camera để góp phần đảm bảo bình yên các ngõ hẻm, khu phố.

Theo Sở Xây dựng, hiện toàn tỉnh có 8 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 23,26%- thấp hơn so bình quân khu vực ĐBSCL. Đô thị tác động như thế nào đến các mặt của đời sống?

Bên cạnh các tác động tích cực, phóng viên Báo Vĩnh Long lược ghi ý kiến lãnh đạo một số sở ngành tỉnh và TP Vĩnh Long về một số tác động ở “mặt trái” của đô thị hóa.

An ninh trật tự: tội phạm hiện đại hơn

Theo ông Nguyễn Văn Bạch- Phó Trưởng Công an TP Vĩnh Long, đô thị hóa tác động đến tình hình an ninh trật tự đô thị, trong đó, tội phạm hiện đại và tinh vi hơn. Ví dụ như trước kia người nghiện ma túy thường chích hoặc uống; phê thuốc thì tìm chỗ nghỉ ngơi.

Bây giờ thì hít và uống ma túy đá…; phê ma túy không tìm chỗ nghỉ mà lảng vảng ngoài khu dân cư, leo nóc nhà… gây hoang mang, ảnh hưởng cộng đồng.

Bên cạnh, trước kia mua bán dâm hoạt động theo nhóm nhỏ, có tuyến đường nhưng thời hiện đại thì che đậy rất kỹ nên khó phát hiện.

Cùng với đó, tệ nạn xã hội, tội phạm hiện đại hơn. Chẳng hạn, đá gà thì không trực tiếp đến trường gà mà đá qua mạng; ăn trộm không đào tường khoét vách mà lừa đảo “gọi điện đòi nợ rồi tìm cách gạt rút hết tài khoản ngân hàng”...

Nói chung, bây giờ kẻ lừa đảo có thể photo cập nhật danh bạ điện thoại bất cứ ở đâu đó rồi gọi hết ông này tới ông kia theo kiểu “sạ lúa”, chỉ 1 vụ trót lọt là đủ tiêu xài 3- 4 tháng…

Giáo dục: đông học sinh, thiếu đất xây trường lớp

Theo ông Ngô Thanh Sơn- Trưởng Phòng GD- ĐT TP Vĩnh Long, khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục là tốc độ tăng dân số đô thị nhanh hơn so với sự đầu tư cơ sở vật chất nên chưa đáp ứng kịp thời.

Theo quy định trường chuẩn quốc gia đối với bậc tiểu học thì không quá 30 lớp, diện tích trường chuẩn quốc gia thì phải đạt 6m2/học sinh.

Tuy nhiên, Trường Tiểu học Hùng Vương chỉ khoảng 0,8m2/học sinh, Trường THCS Lê Quý Đôn chỉ 1,4 m2/học sinh (trường có đến hơn 2.000 học sinh) nên thiếu đất rất nhiều.

Trong khi “khan hiếm đất xây trường lớp” thì lượng học sinh tập trung về TP Vĩnh Long rất đông. Đáng kể như học sinh thuộc huyện Long Hồ theo học các trường từ cấp mầm non tới THPT tại TP Vĩnh Long rất nhiều. Do đó, mật độ học sinh trên lớp khá đông.

Ví dụ có trường tiểu học quy định 35 học sinh/lớp nhưng thực tế có tới 45 học sinh/lớp. Chính vì vậy, hiện nay một số trường của thành phố khi công nhận lại trường chuẩn quốc gia thì “vướng”…

Văn hóa: tín ngưỡng dân gian nhiều biến động

Cần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình đô thị hóa.
Cần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình đô thị hóa.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, phát triển đô thị tác động đến tất cả các mặt của đời sống. Về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đều có tác động rõ ràng và có những thứ dễ nhìn thấy, có thứ tiềm ẩn không nhìn thấy được.

Riêng về văn hóa thì tác động rất nhiều mặt. Ví dụ như về tôn giáo tín ngưỡng trước đây riêng ở TP Vĩnh Long có rất nhiều đình làng bởi vì cư dân nông nghiệp, thờ thần nông.

Mỗi làng có đình, có làng 2 đình và nhiều loại miếu. Bây giờ thì các cơ sở tín ngưỡng có nhiều thay đổi, đặc biệt là tín ngưỡng dân gian nhiều biến động.

Có những ngôi đình lọt thỏm vô khu dân cư. Nhiều di tích lớn hồi xưa diện tích là 3- 4ha, giờ thì thu nhỏ lọt thỏm giữa lòng phố. Ngành văn hóa muốn tôn tạo để phát triển du lịch cũng rất khó khăn.

Văn nghệ các thứ cũng thay đổi. Trước đây, dân Vĩnh Long mê cải lương, đờn ca tài tử, hát bội… Người người diễn các loại hình ở nhà riêng và các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo.

Còn bây giờ cơ sở tín ngưỡng tôn giáo thay đổi, thị hiếu thay đổi nên hoạt động văn hóa, văn nghệ thay đổi theo.

Gần đây, nhiều CLB hình thành nhưng hoạt động ở các tụ điểm phục vụ khách du lịch, kể cả hát bội trước đây hát ở đình làng, bây giờ được đưa vào các tour tuyến du lịch. Tức là văn nghệ truyền thống cũng thay đổi thích nghi với đời sống hiện đại.

Về thể thao, trước đây các bộ môn thể thao truyền thống như đua thuyền, bơi lội trên sông giờ cũng thay đổi, nhu cầu về các bộ môn thể thao du nhập mới, phổ biến hơn. Các trò chơi dân gian dần mất đi, trẻ em bây giờ chủ yếu… tham gia các trò chơi trên các thiết bị điện tử hiện đại hơn.

Từ những tác động tích cực lẫn tiêu cực của đô thị hóa, lãnh đạo sở ngành tỉnh và TP Vĩnh Long đã và đang hoạch định các chủ trương, giải pháp nhằm khắc phục và giải quyết các tác động tiêu cực, bảo tồn và phát huy các giá trị tốt trong quá trình đô thị hóa.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU