Vĩnh Long trên đường phát triển: Tiến bước mạnh mẽ đến tương lai

Cập nhật, 05:50, Thứ Năm, 30/04/2020 (GMT+7)

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Tổ quốc thống nhất. Cùng với cả nước, Vĩnh Long bắt tay kiến thiết quê hương. Đảng bộ, chính quyền, toàn quân, toàn dân chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Trải qua từng giai đoạn, tỉnh đã có những quyết sách, định hướng đúng đắn, cùng sự đoàn kết quyết tâm một lòng “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”- theo hoài bão của Bác Hồ.

Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, hội nhập.
Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, hội nhập.

Đưa dân trở về ruộng vườn cũ, xây tổ ấm, dựng xóm làng

Một buổi sáng cuối tháng 4/2020, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- mà không hẹn trước, người nhà bảo ông đang ở ngoài vườn.

Nếu không biết ông từ trước, có lẽ chúng tôi đã không đoán ra người đảng viên 70 năm tuổi đảng, 90 năm tuổi đời, từng giữ cương vị Phó Bí thư và Bí thư Tỉnh ủy nhiều năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong hình ảnh một nông dân đời thường chăm chút từng luống rau cải xanh tốt.

Và khi chúng tôi xin được nghe ông kể chuyện về ngày chiến thắng 30/4 lịch sử, quân và dân ta đã bắt tay xây dựng quê hương thế nào… thì dòng ký ức một thời “gian lao mà anh dũng” được ông tái hiện sôi nổi, rõ ràng, chi tiết.

Trong chiến tranh chống Mỹ, chiến trường Vĩnh Long rất ác liệt. Nhất là sau Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968, địch tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh”- bình định và xây dựng quân ngụy hùng mạnh.

Địch dùng phi pháo kể cả pháo đài bay B52 rải thảm chất độc hóa học, đánh phá vùng nông thôn, gần như không còn màu xanh trên mặt đất.

Ông Nguyễn Ký Ức đã đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng bào, đối đầu với kẻ thù hung hãn, tàn bạo nhất; vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo thế vươn lên giành thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

“11 giờ ngày 30/4/1975, chúng tôi nghe Đài Phát thanh Sài Gòn, tiếng nói Dương Văn Minh- Tổng thống ngụy- tuyên bố đầu hàng.

Ở Vĩnh Long, Ban chỉ huy chiến dịch vẫn nắm chắc phương án đã ấn định, chuyển phương thức đấu tranh với địch vừa gây áp lực vừa kêu gọi Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Long quy hàng.

Đến 20 giờ ngày 30/4/1975, tỉnh Vĩnh Long được giải phóng. Chúng tôi từ tiền phương tiến vào tiếp quản TX Vĩnh Long lúc 5 giờ ngày 1/5/1975”- ông Nguyễn Ký Ức nhớ lại thời khắc huy hoàng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vui mừng khôn xiết.

Đất nước hòa bình thống nhất, “càng hân hoan phấn khởi trước đại thắng, càng nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới”.

“Vượt rào” chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cùng dòng chảy ký ức “trong gian khó nở hoa anh hùng”, ông Nguyễn Văn Đời (Nguyễn Dân, Năm Dân) kinh qua nhiều cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ty Canh nông Cửu Long, rồi Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (1992- 1994) cho rằng, tỉnh ta định hướng khai hoang, cải tạo đồng ruộng để khắc phục khó khăn sau chiến tranh và sớm thoát khỏi tình trạng đói nghèo, Đảng bộ Vĩnh Long đã xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm.

Từ năm 1976-1978, diện tích trồng lúa liên tục tăng. Một mặt, việc khai hoang phục hóa đã đưa thêm diện tích vào sản xuất. Mặt khác, do thay đổi biện pháp canh tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và thủy lợi tác động lớn đến sản xuất.

Đến giai đoạn 1981-1985, tổng sản lượng lúa đã đạt trên 2 triệu tấn. Đây thực sự là bước ngoặt có tính chất quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế đối với một tỉnh thuần nông như
Vĩnh Long.

Cùng với cả nước bước vào thời kỳ đổi mới 1986- 2010 (tái lập tỉnh năm 1992), Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, toàn quân, toàn dân thực hiện theo quan điểm, đường lối đổi mới về kinh tế của Đảng.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- Trương Văn Sáu cho rằng: “Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp, nếu không phát triển công nghiệp, dịch vụ sẽ không bứt phá lên được”.

Do vậy, Đảng bộ tỉnh đã rất chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đồng thời đưa nông nghiệp phát triển toàn diện. Theo ông, giai đoạn 2001- 2010 có thể coi là giai đoạn phát triển các khu- tuyến công nghiệp và cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến rất rõ nét.

Sự kiện thông xe cầu Mỹ Thuận vào tháng 5/2000, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp tạo thế tăng tốc đột phá cho nền kinh tế. Điều kiện vật chất để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng thời, đây cũng là tiền đề quan trọng để Vĩnh Long hướng đến mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, quyết tâm xây dựng Vĩnh Long thành tỉnh trung bình khá trong khu vực ở những giai đoạn sau.

Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực

Kinh tế Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015 đã đạt mức tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 6,95%/năm và tăng đều trên cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng, dịch vụ.

Giai đoạn 2016- 2020, GRDP tăng bình quân 5,7%/năm. So với năm 2015, quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt 57.928 tỷ đồng, tăng 1,5 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 56,6 triệu đồng, tăng 1,5 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ước đến năm 2020, tỷ trọng 3 khu vực nông nghiệp- thủy sản, công nghiệp- xây dựng và dịch vụ đạt 31,74%- 19,41%- 48,84%.

“Muốn lập khu công nghiệp phải thu hồi đất nông nghiệp, tạo quỹ đất sạch. Lúc ấy, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ cho chủ trương tất cả đất nông nghiệp thu hồi đều quy đất loại 1, áp dụng mức bồi hoàn cao nhất, nhờ vậy được người dân đồng tình cao.

Đây là khâu khó nhất trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tôi hay nói với anh em làm lãnh đạo cần nghiên cứu trong mỗi giai đoạn có khó khăn riêng, những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình phải giải quyết, vượt thẩm quyền phải kiến nghị Trung ương tháo gỡ.

Trong nhiều việc phải quyết đoán, dám nghĩ dám làm, thậm chí là vượt rào, vận dụng chính sách linh hoạt mới được”- ông Trương Văn Sáu giải thích việc “vượt rào” phải đúng luật và điều gì có lợi cho dân, cho quê hương thì phải mạnh dạn làm.

Từ những quyết sách: “Vĩnh Long không phá thế nông nghiệp là không giàu được, phải đầu tư công nghiệp” hay “ngay từ đầu tỉnh đã xác định phát triển công nghiệp sạch, lựa chọn ngành nghề ít ô nhiễm”… đã góp phần phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2010 cơ bản thích ứng với cơ chế thị trường và đã có bước tăng trưởng, phát triển khá tốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ hơn.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng nhanh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển, Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng và hình thành 2 khu công nghiệp là Hòa Phú, Bình Minh và Tuyến công nghiệp Cổ Chiên.

Tỉnh cũng đã quy hoạch, định hướng phát triển mới 3 khu công nghiệp Đông Bình, Bình Tân, An Định và 13 cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố với tổng diện tích hơn 1.600ha. Trong thời kỳ này, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn cũng tiếp tục được duy trì, mở rộng
và phát triển.

Phát huy kết quả thắng lợi to lớn của cả quá trình 45 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Long đã và đang trải qua các giai đoạn phát triển với những đổi thay nhanh chóng. Riêng năm 2020 là năm tỉnh quyết tâm ghi thêm một bước tiến trên đường phát triển với định hướng đưa tỉnh Vĩnh Long trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL.

Những thành quả tỉnh đã đạt và đang hướng tới là nỗ lực không mệt mỏi, sự đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh trước những khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy

“2 nhiệm vụ trong tình hình mới” sau giải phóng là phải nhanh chóng đảm bảo điều kiện cần thiết như điện, nước, đi lại, mua bán, vệ sinh,… cho người dân thị xã; còn ở nông thôn thì đưa dân về ruộng vườn cũ xây tổ ấm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Trong tinh thần phấn khởi, Đảng bộ và nhân dân ta đã cùng vượt qua khó khăn, xây dựng lại xóm làng bằng tranh tre, nứa lá, cầu khỉ… Đó là những vấn đề rất cấp bách và quan trọng cho đời sống lúc bấy giờ.

Ông Trương Văn Sáu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy

Vĩnh Long không có biển đảo, rừng, biên giới nên chủ trương của tỉnh là phải phát huy vai trò tự lực tự cường, phấn đấu đi lên bằng đôi chân của mình. Chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đúng, nhưng làm thì không dễ. Để người dân đồng thuận chủ trương, cách làm, phương án đưa ra phải có lý có tình, có tấm lòng đối với nhân dân.

Ông Nguyễn Dân- quyền Chủ tịch UBND tỉnh (1992-1994)

Sau giải phóng, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu tạo ra nguồn lương thực, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp. Tỉnh đã chỉ đạo vùng thuần nông như Trà Ôn, Cầu Kè, Vũng Liêm, Tam Bình… để có 1 triệu tấn lúa, phải làm rất quyết liệt. Điều đáng quý là Đảng bộ nói và dân tin, dân làm theo, bởi vì khi triển khai quyết sách gì phải nói đi đôi với làm.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC