"Dân vận khéo"- bài học thành công trong xây dựng nông thôn mới

Kỳ cuối: Chất lượng cuộc sống- thước đo của sự thành công

Cập nhật, 05:45, Thứ Sáu, 03/04/2020 (GMT+7)

Là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2017, TX Bình Minh tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh với 2 xã về đích NTM nâng cao. Nhờ “khéo” vận động người dân chuyển đổi phương thức canh tác, vươn lên làm ăn mà đời sống nhân dân 2 xã NTM nâng cao Thuận An và Mỹ Hòa thêm sung túc, giàu có và đứng ở “tốp” đầu những xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh.

Cây rau cải trời đang đem lại nguồn thu khá cho người dân xã Thuận An.
Cây rau cải trời đang đem lại nguồn thu khá cho người dân xã Thuận An.

Xã giàu nhất tỉnh và “bài toán” thu nhập

Với thu nhập bình quân đầu người 64,14 triệu đồng/năm, cao gấp 1,33 lần so thời điểm công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017 là 47,87 triệu đồng/năm, xã NTM nâng cao Thuận An đang giữ “danh hiệu quán quân” với thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh, cao hơn 19,14 triệu đồng theo quy định đối với các xã xây NTM và NTM nâng cao năm 2019.

Với lợi thế là vùng chuyên canh xà lách xoong, rau diếp cá đã đem đến cho người dân xã Thuận An nguồn thu nhập khá. Một số hộ bắt đầu phát triển thêm mô hình mới để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Trên cánh đồng ấp Thuận Phú A, anh Bùi Đại Ngọc đang thoăn thoắt tay thu hoạch rau cải trời và “sơ chế trước 1 bước”, anh Ngọc cười tươi: “Giờ nhiều người thích ăn lẩu gà, lẩu dê… với cải trời lắm! Nhìn vậy chứ 7- 8 công ruộng không bằng 2 công cải trời này, công chăm sóc cũng nhẹ hơn xà lách xoong”.

Đang nói chuyện thì có điện thoại đến: “chú nghe nè… vậy mỗi ngày 10kg đều luôn hé…”. Nói xong, anh Ngọc xởi lởi: “lái gọi đặt hàng”.

Theo anh Ngọc, đời sống người dân mình những năm nay khỏe hơn trước rất nhiều. Hồi xưa, mỗi lần tưới tay mất cả tiếng mới xong 1 công rau, mà phải trồng 2- 3 tháng mới có thu hoạch, nhưng giờ chỉ cần vặn van điều khiển tưới 10 phút/lần cho cả chục công rau vẫn được, mỗi ngày tưới 7- 8 lần và chỉ trồng hơn 20 ngày là có thu hoạch.

Quan trọng là rau cũng sạch hơn vì “con sâu chưa kịp phát triển là mình đã thu hoạch rau cho vô nồi lẩu rồi”- anh Ngọc cười giòn.

Anh Ngọc kể, ngày xưa trồng rau phải tự bưng ra chợ bán, giờ thì chỉ cần a lô đặt hàng, hẹn giờ, thu hoạch xong là có thương lái tới lấy rau, khỏi phải lo bị ép giá. Hiện rau cải trời có giá 9.000 đ/kg, thời điểm thấp nhất cũng bán được 4.000 đ/kg nhưng “vẫn đảm bảo có lời”.

Theo ông Trương Thành Đến- Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An, thời gian qua, xã đã vận động nông dân chuyển từ lúa sang trồng màu chuyên canh và vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; vận động hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng sản xuất, thu hút lao động nông thôn; đồng thời giới thiệu việc làm và mở các lớp đào tạo nghề gắn với cung ứng sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông cũng đã từng bước thu hút phát triển các hộ kinh doanh cá thể, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp… “Qua đó, đã chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từng bước giúp người dân nâng cao thu nhập”- ông Trương Thành Đến cho biết.

Xây dựng vùng chuyên canh bưởi Năm Roi

Đời sống người dân xã Mỹ Hòa ngày càng khấm khá nhờ cây bưởi.
Đời sống người dân xã Mỹ Hòa ngày càng khấm khá nhờ cây bưởi.

Đến vùng chuyên canh bưởi Năm Roi của xã Mỹ Hòa, xe chúng tôi chạy bon bon trên những tuyến đường rộng lớn, dọc 2 bên đường là những vườn bưởi xanh mướt và những căn nhà tường khang trang đẹp không thua gì những ngôi nhà giàu có ở phố chợ.

Bên tách trà, bà Nguyễn Thị Phăng (ấp Rạch Bầu) kể, cây bưởi Năm Roi đã bắt đầu bén rễ trên vùng đất Mỹ Hòa từ những năm thập niên 90 của thế kỷ trước.

Theo sự vận động của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà chủ yếu là ruộng lên vườn trồng bưởi Năm Roi, bà đã bắt đầu trồng bưởi từ năm 1999- 2000. Đến năm 2003 thì bà con nông dân đã chuyển đổi giáp hết khu vực này.

Vườn bưởi của bà Phăng khoảng 100 gốc đã hơn 20 năm tuổi với tàn cây rộng lớn, còn lại mới trồng. Theo bà Phăng, trước đây bưởi chỉ 1.500- 2.000 đ/kg nhưng nhờ năng suất cao nên bà con vẫn có lời.

Song, 3 năm nay giá bưởi vẫn giữ mức khoảng 15.000 đ/kg, năng suất khoảng 3,5 tấn/công, lời ít nhất cũng 15 triệu đồng/công/năm.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên (ấp Mỹ Phước 1) kể: “Năm 2005, tui mua hơn 5 công đất trồng bưởi giá 30 triệu đồng/công, nhưng giờ có giá đến 1,5 tỷ đồng/công. Từ hồi về đây ở luôn (năm 2012) tui được bà con xóm giềng chỉ cho cách trồng và chăm sóc bưởi, thời gian rảnh vợ chồng tui cũng lên mạng nghiên
cứu thêm”.

Hiện, bà Liên cho trồng mới lại vườn bưởi, trong thời gian chờ bưởi lớn bà trồng xen ớt sừng vàng để có thêm thu nhập “Tính ra ngoài thời gian chăm sóc bưởi thì bà con mình cũng nhàn nhã lắm. Vì “mê” làm nên vợ chồng tui trồng xen ớt sừng vàng, vụ vừa rồi thu hoạch ớt cũng bỏ túi được cả trăm ngàn đồng/ngày”- bà Liên nói.

Theo ông Nguyễn Minh Quang- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hòa, Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM xã, điểm nổi bật nhất của Mỹ Hòa so với các xã khác là đã xây dựng được vùng chuyên canh nông nghiệp với chủ lực là cây bưởi Năm Roi, chiếm 92% (1.163/1.266ha) đất nông nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng nên đời sống người dân của xã ngày càng nâng cao.

Xã Mỹ Hòa hiện có 95,1ha bưởi Năm Roi sản xuất theo hướng VietGAP và 80ha theo chuẩn GlobalGAP. Bên cạnh, xã còn có nhiều mô hình, dự án được đầu tư mang lại hiệu quả cao như: mô hình nuôi dê; chuyển giao 10.000 cây bưởi giống cho nông dân xây dựng vùng nguyên liệu bưởi theo chuỗi giá trị tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020. Hiện, có trên 50% hộ ứng dụng hệ thống tưới phun tự động trên cây bưởi…

Đặc biệt xã Mỹ Hòa còn được quy hoạch đầu tư Khu công nghiệp Bình Minh cặp sông Hậu thuận tiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vận chuyển hàng hóa cả đường bộ lẫn đường thủy, cũng như giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

Hiện, cơ cấu lao động của xã là 50% sản xuất nông nghiệp, 50% phi nông nghiệp. “Đây là nền tảng giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống và từng bước tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu”- ông Nguyễn Minh Quang nhận định.

Ông Nguyễn Thanh Cần- Chủ tịch UBND TX Bình Minh

Trong chỉ đạo điều hành chương trình xây dựng NTM, BCĐ luôn hướng vào thực chất, không lấy hình thức, mà lấy chất lượng cuộc sống làm thước đo cho sự thành công vững chắc trong xây dựng NTM ở Bình Minh. Điều đặc biệt, khi triển khai thực hiện mỗi xã sẽ không theo rập khuôn mà phát huy lợi thế của từng xã. Vấn đề quan trọng là làm sao để dân thấy được xây dựng NTM không gì khác là “vì lợi ích nhân dân”. Mình quan tâm dân thì dân sẽ vào cuộc với mình.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI