Vĩnh Long hướng tới trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL

Cập nhật, 05:43, Thứ Năm, 23/01/2020 (GMT+7)

Năm 2019, tỉnh Vĩnh Long cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Đây là kết quả có ý nghĩa rất quan trọng và tạo đà để cho các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2016- 2020 nói chung đạt kết quả cao nhất, góp phần đưa tỉnh Vĩnh Long trở thành tỉnh khá ở ĐBSCL.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt và kết thúc kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020, Vĩnh Long sẽ cần nỗ lực như thế nào?

Trao đổi với PV Báo Vĩnh Long trên đặc san Xuân Vĩnh Long 2020, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- đánh giá những thách thức, cơ hội, cũng như sự chủ động, tích cực của tỉnh trên đường tiến gần tới mục tiêu kế hoạch 5 năm.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long
Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

Để phát triển toàn diện, bền vững hơn

* Thưa ông, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2019 đã hoàn thành. Xin ông đánh giá một số nét nổi bật từ kết quả này?

- Năm 2019, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng đến nay các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của năm cơ bản được hoàn thành.

Ước cuối năm có 20/22 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt. Đáng chú ý về kinh tế: xuất khẩu, vốn đầu tư toàn xã hội và đặc biệt là sản xuất công nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và đăng ký thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó, số dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Về xã hội: giải quyết việc làm tốt cho người lao động; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người tham gia BHYT và đặc biệt là số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đã vượt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020.

Công tác cải cách hành chính có những chuyển biến mạnh, lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào chính quyền vì dân phục vụ được cải thiện rõ nét.

Kết quả nổi bật trên ghi nhận lợi thế của tỉnh dần được phát huy, hình ảnh môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành trong tháo gỡ khó khăn, đưa các dự án mới đi vào hoạt động.

Huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh- xã hội. Đẩy mạnh xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Vĩnh Long cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2019 và hướng tới mục tiêu hoàn thànhkế hoạch 5 năm.
Vĩnh Long cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2019 và hướng tới mục tiêu hoàn thànhkế hoạch 5 năm.

* Với kết quả tích cực của năm 2019 và thành tựu những năm trước đó trong cả giai đoạn 2016- 2020, có thể nói chúng ta đã sắp tiến tới mục tiêu quan trọng là đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh khá ở ĐBSCL. Trên đường đi tới đó có những chướng ngại nào không, thưa ông?

- Vĩnh Long đã và đang trải qua giai đoạn phát triển với những đổi thay nhanh chóng, khó đoán định của biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu tác động lớn từ chiến tranh thương mại toàn cầu, xung đột giữa các quốc gia, khu vực,...

Chính vì vậy, năm 2020 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, do các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau và những “chướng ngại” trên đây, nên dự kiến một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội, chủ yếu là các chỉ tiêu kinh tế, của giai đoạn sẽ khó đạt được.

Do đó, giải pháp năm 2020 của tỉnh là chủ động, tích cực, phấn đấu cao để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2016- 2020 nói chung với kết quả cao nhất, góp phần giúp tỉnh hoàn thành mục tiêu tổng thể là trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL.

Cơ cấu lại nền nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng giúp nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.
Cơ cấu lại nền nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng giúp nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.

* Vì sao Vĩnh Long phải quyết tâm “nâng cấp” trở thành tỉnh khá khu vực ĐBSCL, thưa ông?

- Tôi có thể khẳng định, những thành quả tỉnh đã đạt và đang hướng tới là nỗ lực không mệt mỏi, sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh trước những khó khăn, thách thức.

Để đánh giá trình độ phát triển là phải xem xét tổng thể, đồng bộ 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, khi Vĩnh Long phấn đấu từ trình độ phát triển trung bình khá lên trình độ khá đồng nghĩa với việc 3 yếu tố trên cũng bước sang một cấp độ mới.

Đó là, kinh tế đang từng bước được hiện đại hóa, hội nhập và tăng trưởng bền vững hơn; đời sống, thu nhập của người dân cải thiện nhiều và khá hơn so với bình quân khu vực; tài nguyên được quản lý, khai thác hợp lý, môi trường sống được đảm bảo.

Hay nói cách khác là sự “nâng cấp” này cho thấy sự phát triển của tỉnh dần mang tính toàn diện, bền vững hơn. Chúng ta đã quy tụ được sự đoàn kết thống nhất của nhân dân trong quá trình phát triển; đã thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo đảm môi trường.

Chúng ta không vì tăng trưởng nhanh mà để chênh lệch giàu nghèo quá lớn, không để ai bị bỏ lại phía sau và đặc biệt là không vì phát triển kinh tế mà hy sinh môi trường sống.

Xây dựng hình ảnh Vĩnh Long thành điểm đến hấp dẫn

* Vâng, có thể thấy, để phát triển toàn diện, bền vững với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, Vĩnh Long nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Điều gì đã làm cho niềm tin vào chính quyền được củng cố như vậy, thưa ông?

- Tôi cho rằng, những kết quả, nỗ lực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần xây dựng hình ảnh tỉnh Vĩnh Long năng động, tích cực hơn.

Thực hiện cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính đã tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh với nhau và giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt là chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh góp phần thu hút đầu tư hiệu quả. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Bo Hsing.
Cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh góp phần thu hút đầu tư hiệu quả. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Bo Hsing.

* Vĩnh Long đã và đang cải thiện môi trường đầu tư thực chất hơn, vậy thì tỉnh đã tận dụng các cơ hội xúc tiến đầu tư như thế nào để quảng bá hình ảnh, tiềm năng của tỉnh, cũng như thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, thưa ông?

- Tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư cấp quốc gia năm 2018 là rất quan trọng, nhưng để duy trì và nối tiếp thành công của nó thì càng khó hơn. Năm 2019, tỉnh đã tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư và đã có 7 dự án ký kết biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư với tổng vốn khoảng 46.968 tỷ đồng và 66 triệu USD.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tham dự và quảng bá hình ảnh, tiềm năng của tỉnh thông qua các hội nghị, hội thảo có liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh- thành phố tổ chức trong và ngoài nước.

* Trước những cơ hội, những yếu tố thuận lợi trên con đường phát triển thì cũng có không ít khó khăn phải không, thưa ông?

- Nếu nhìn lại chặng đường phát triển của tỉnh trong thời gian qua và đặc biệt là trong 4 năm gần đây thì sẽ thấy bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ yếu tố bên ngoài và cả nội tại, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh.

Đó là, quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, đa số các doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh cải thiện chậm, tinh thần khởi nghiệp của người dân chưa cao; chưa thu hút, triển khai được những dự án lớn, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Xét về vi mô và yếu tố nội tại, Vĩnh Long khởi đầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020 trong bối cảnh hết sức khó khăn. Vị trí địa lý thuận lợi nhưng cũng là rào cản lớn cho sự phát triển, mở rộng quy mô kinh tế của tỉnh.

* Và như vậy, để đưa kinh tế- xã hội phát triển đi lên phải tìm cách vượt qua, vượt lên những “rào cản” đó, chúng ta cần khơi thông, tạo thêm nguồn lực gì, thưa ông?

- Hiện nay, thu hút vốn của chúng ta chỉ mới đáp ứng được 70% yêu cầu phát triển. Do đó, để kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và trở thành tỉnh khá trong khu vực, Vĩnh Long cần phải khơi thông các nguồn lực, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đó là, phải ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao thu nhập, giảm đói nghèo, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là hạn, mặn.

Tiếp theo, các thế mạnh phải được tận dụng triệt để, chủ động biến lợi thế, tiềm năng thành hiện thực. Cần có bước đột phá trong chính sách huy động và có cách triển khai cụ thể, hiệu quả đối với từng loại nguồn vốn. Phải khơi dậy nguồn lực từ đất đai và tài sản, kết cấu hạ tầng trên đất.

Cần phân tích, đánh giá thực chất năng lực của các thành phần kinh tế, định hình lại các cơ chế, chính sách và đầu tư hiện hữu để có cách nhìn tổng thể, toàn diện và dài hạn đối với sự phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nông dân Bình Tân thu hoạch dưa hấu tết.
Nông dân Bình Tân thu hoạch dưa hấu tết.

* Nhân dịp Xuân Canh Tý, ông nhắn gửi điều gì đến người dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

- Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin chân thành cảm ơn người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh đã đoàn kết, đồng thuận nỗ lực, đồng hành cùng chính quyền trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh đã đề ra.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục xây dựng một chính quyền “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, nỗ lực cải thiện để phục vụ tốt nhất cho người dân; luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

* Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

* Vĩnh Long đã có định hướng phát triển đúng vì lợi ích chung của người dân và cộng đồng. Vậy xin ông cho biết tỉnh Vĩnh Long sẽ cần tiếp tục nỗ lực như thế nào để đưa tỉnh bước lên vị thế mới như mong đợi, thưa ông?

- Vĩnh Long sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá. Đó là thực hiện đồng bộ các chính sách vĩ mô, duy trì ổn định kinh tế. Cải cách thể chế và khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực như tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tiếp tục sắp xếp lại bộ máy cơ quan hành chính các cấp; xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện tốt liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương và địa phương và giữa các sở, ngành trong tỉnh. Tăng cường quốc phòng- an ninh, giữ vững môi trường ổn định để phát triển kinh tế- xã hội.

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)