Tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên gia súc

Cập nhật, 13:44, Thứ Năm, 12/12/2019 (GMT+7)

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), vào khoảng cuối tháng 10/2019 trên địa bàn huyện Trà Ôn xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn bò và lây lan nhanh trên địa bàn huyện này. Tính đến ngày 21/11/2019 tại địa bàn 12/14 xã- thị trấn huyện Trà Ôn đã có dịch bệnh lở mồm long móng, với 203 con bò mắc bệnh của 55 hộ dân.

Ngày 12/11/2019, trên địa bàn huyện Vũng Liêm cũng đã phát hiện 6 con bò bệnh lở mồm long móng tại xã Tân Quới Trung.

Ngày 28/11/2019, UBND huyện Vũng Liêm ban hành công văn chỉ đạo các ngành, các xã- thị trấn trong huyện tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc tại huyện.

Theo hướng dẫn của chuyên ngành Nông nghiệp- PTNT, các biện pháp cần thực hiện phòng bệnh bắt buộc như tiêm vắc xin, tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra, giám sát bệnh lở mồm long móng, xử lý gia súc mắc bệnh, chẩn đoán xét nghiệm bệnh,…

Đối với người dân, ngoài việc phối hợp với ngành chuyên môn thực hiện biện pháp kỹ thuật thú y để phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng, cần thực hiện các biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi (tiêu độc, khử trùng), sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi phải có nguồn góc rõ ràng, thức ăn tự có tại gia cũng phải đảm bảo vệ sinh tránh dịch bệnh lây lan. Khi đàn gia súc có dấu hiệu dịch bệnh phải báo ngay cho ngành chuyên môn tại địa phương, không giấu dịch.

Được biết, đường lây truyền dịch bệnh lở mồm long móng là do tiếp xúc giữa động vật với động vật mắc bệnh; lây gián tiếp qua thức ăn, nước uống chung máng; nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi bị nhiễm vi rút bệnh; sản phẩm động vật tươi sống có mang mầm bệnh…

Thời kỳ ủ bệnh thường 2- 5 ngày, nhiều nhất là 21 ngày. Động vật mắc bệnh có triệu chứng sốt cao trên 40 độ C, kém ăn hoặc bỏ ăn, chảy nhiều nước bọt, chân đau, mụt nước xuất hiện ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng và đầu vú. Khi mục nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ làm long móng.

Sau khi phát bệnh 10-15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng, nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong con vật, có thể đến 2- 3 năm đối với trâu, bò và được bài thải ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

ĐÀO NHIỄN